1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Nhật: Trung Quốc lập vùng phòng không là động thái nguy hiểm

(Dân trí) - Trong bình luận đầu tiên kể từ khi Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay nói rằng đây là một động thái nguy hiểm, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Cảnh báo của Thủ tướng Abe diễn ra sau khi Washington tuyên bố sẽ sát cánh bên ông trong trường hợp xảy ra bất kỳ xô xát quân sự vào liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.

"Tôi rất lo ngại vì đó là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hệ quả không lường trước được", ông Abe phát biểu trước quốc hội ngày 25/11.

"Tôi sẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế trong khi chúng ta tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế", Thủ tướng Abe nói thêm.

Đó là nhưng bình luận đầu tiên của Thủ tướng Nhật về vấn đề này kể từ khi Bắc Kinh thông báo lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại một khu vực bên trên Hoa Đông, vốn bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh yêu cầu các phi cơ bay qua khu vực phải tuân thủ mệnh lệnh của mình, nếu không sẽ "sử dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington "lo ngại sâu sắc", nói rằng động thái có thể gây ra "các nguy cơ về một cuộc xung đột".

Tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ, vốn cũng bao gồm các vùng biển mà Hàn Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền, đã gây giận dữ tại cả Seoul và Đài Bắc. Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói động thái của Bắc Kinh là "đáng tiếc".

Một phần trong ADIZ của Trung Quốc chồng lấn lên vùng phòng không của Hàn Quốc và sáp nhập với một bãi đá ngầm tranh chấp hiện do Seoul quản lý - được gọi là Ieodo, vốn là một nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.

"Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng chúng tôi có quyền kiểm soát không thay đổi đối với Ieodo", Bộ trưởng Kim nói.
 
Còn Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố không tuân thủ ADIZ của Trung Quốc và rằng nó "không có bất kỳ giá trị pháp lý gì tại Nhật Bản".

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm