Sứ mệnh khó khăn của Phó Tổng thống Mỹ trong "tâm bão"
(Dân trí) - Rời Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bay tới vùng "tâm bão" ở Đông Bắc Á với một sứ mệnh đầy khó khăn và thách thức chứ không đơn thuần chỉ là việc tái khẳng định sự can dự của Mỹ ở châu Á như mục đích ban đầu.
Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tokyo, bắt đầu chuyến công du ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kéo dài một tuần nhằm tái khẳng định vai trò của Mỹ trong khu vực, cũng như đập tan các chỉ trích cho rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama đang lơ là châu Á do tình hình chính trị trong nước và quan tâm dành cho Trung Đông.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các tranh cãi chủ quyền trên biển Hoa Đông đang bao phủ bóng đen trong khu vực sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hôm 23/11 bao trùm cả các vùng biển thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, trọng trách dồn lên vai Phó Tổng thống Biden trong chuyến thăm lần này sẽ vô cùng nặng nề, nhất là trong việc vừa phải kiềm chế căng thẳng với Bắc Kinh, vừa trấn an Tokyo trước những thách thức ngày càng lớn từ anh bạn láng giềng phía Tây.
Tại Tokyo, “phó tướng” của Tổng thống Obama sẽ phải trấn an đồng minh Nhật Bản rằng liên minh quân sự Nhật-Mỹ, được hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ trước, vẫn còn hiệu lực và rằng, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ đồng minh dù đang muốn cùng Trung Quốc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới trong thế kỷ 21.
"Điều hết sức quan trọng là Mỹ tiếp tục khẳng định thông điệp nhấn mạnh chúng tôi đang và sẽ luôn hỗ trợ các đồng minh, và sẽ luôn có cơ hội để hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc cùng xây dựng quan hệ kiểu mới trong thế kỷ 21 này", một quan chức chính quyền Obama tiết lộ.
Nhưng tuyên bố miệng là một chuyện, còn giải thích các hành động thực tế lại là một chuyện khác. Trong chuyến thăm, ông Biden hẳn sẽ có lúc rơi vào tình cảnh “khó ăn, khó nói” với Tokyo sau khi chính quyền Obama thúc giục các hãng hàng không dân dụng nước này tuân thủ các quy định khi bay vào vùng ADIZ của Trung Quốc, trái ngược với quyết định trước đó của chính phủ Nhật Bản.
Trong các mối quan hệ đồng minh, đặc biệt là quan hệ đồng minh chiến lược, điều tối kỵ nhất là tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “áp dụng tiêu chuẩn nước đôi” trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của các bên. Trong câu chuyện về ADIZ của Trung Quốc hiện nay, rõ ràng đây là hành động khó bề giải thích của Washington, bất luận vì những lý do gì.
Tất nhiên, ông Biden cũng có thể giải thích rằng sức nóng từ vòng xoáy căng thẳng đang vần vũ quan hệ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không cho phép Mỹ mạo hiểm tính mạng của hành khách đi máy bay vì rằng những căng thẳng hiện nay không chỉ nóng trên mặt trận ngoại giao, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối đầu quân sự và đe dọa tính mạng hành khách một khi có những tính toán sai lầm.
Và cũng có thể sẽ còn rất, rất nhiều lập luận khác mà ông Biden phải đưa ra để đẩy lùi cơn giận của Tokyo. Một trong số đó là tái khẳng định sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ đối với quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản.
Mặc dù trước nay Washington vẫn nhiều lần tuyên bố sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh cãi chủ quyền lãnh hải, nhưng riêng trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, rõ ràng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Nhật Bản vẫn có phần lớn hơn. Đây cũng là điều hiển nhiên vì “chiếc ô an ninh” của Mỹ dành cho Nhật Bản chưa bao giờ được đóng lại, trong khi những lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng gia tăng cùng với những hành động lấn lướt không có giới hạn của Bắc Kinh. Cũng vì thế mà trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Washington đã hơn một lần nói rằng Mỹ coi quyền kiểm soát đảo tranh chấp là của Tokyo và phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bao trùm vùng biển tranh chấp này.
"Tôi cho rằng ông ấy (Biden) nhiều khả năng sẽ công khai tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước quốc phòng song phương, đồng thời nhấn mạnh rằng các hòn đảo tranh chấp nằm trong phạm vi Điều 5 của hiệp ước. Theo đó, Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Tokyo đối với khu vực và phản đối mọi hành động vi phạm. Điều cần thiết là ông ấy sẽ phát biểu quan điểm này một cách công khai", chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận xét.
Tuy nhiên, trước một “đối thủ đáng gờm” như Trung Quốc, ông Biden cũng chẳng dại gì quay lưng hoàn toàn với Bắc Kinh, nơi ông sẽ có chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du lần này.
Với tâm thế hiểu rõ rằng Trung Quốc sẽ theo dõi chặt từng tuyên bố, từng hành động ở Tokyo, ông Biden sẽ lựa chọn cho mình giải pháp khôn ngoan nhất khi tới gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 4/12 là đưa ra giải pháp đẹp mặt cho tất cả các bên. Nếu làm được điều này, ông Biden không chỉ giữ được thể diện cho cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc thoát khỏi tâm bão căng thẳng hiện nay, mà còn tái khẳng định được vị thế không thể thiếu của mình ở khu vực, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc thực hiện chiến lược xoay trục an ninh.
"Mỹ hy vọng có thể khiến Trung Quốc hiểu rằng việc xác định ADIZ hoàn toàn không phải là một bước đi khôn ngoan và có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Tuy nhiên, các bên có thể tìm hướng giải quyết vấn đề này và đưa ra giải pháp. Đó là chỉ cần Trung Quốc không bắt các quốc gia phải tuân thủ những quy định khắt khe của vùng nhận dạng", Jonathan Eyal - Giám đốc phụ trách nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng Hoàng gia Anh tại London – nói.
Là người luôn có phong thái lịch sự, hòa nhã và biết cạnh vận dụng tối đa những mối quan hệ cá nhân, ông Biden hẳn nhiên cũng sẽ vận dụng tất cả những kinh nghiệm và hiểu biết có được trong các quá trình tiếp xúc trước đó với ông Tập Cận Bình để đạt được mục tiêu đề ra. Đổi lại, Trung Quốc cũng sẽ đánh giá nghiêm túc những nỗ lực và đề xuất của ông Biden, người luôn được Bắc Kinh đánh giá là “nhân vật trung gian công bằng” và cũng là người có thể giúp Trung Quốc thoát dần khỏi tình cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” hiện nay.
Tuy nhiên, cũng vẫn là hai chữ này, những toan tính và lý lẽ của Bắc Kinh luôn ẩn chứa những hàm ý khó lường. Cũng có thể Trung Quốc sẽ lập luận rằng việc thiết lập ADIZ của họ là hoàn toàn bình thường như 20 quốc gia khác, trong đó có cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong trường hợp đó, kết quả khả quan nhất mà ông Biden có thể đem về được chỉ là việc hai bên đã có thể tiến hành thảo luận cấp cao về ADIZ, làm rõ hơn quan điểm của các bên liên quan về vùng nhận dạng phòng không này và để lại được dấu ấn về sự hiện diện của Mỹ mỗi khi trong khu vực xảy ra biến cố.
Khi bắt đầu chuyến công du Đông Á, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ vẫn “rất quan ngại” về vùng phòng không Trung Quốc mới thiết lập. Đây là phản ứng mới nhất của ông Biden khi trả lời với tờ Asahi của Nhật Bản. Theo ông Biden, Trung Quốc và Nhật cần phải thiết lập các biện pháp làm hạ nhiệt căng thẳng. Vùng phòng không của Trung Quốc cho thấy “cần phải có thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ để thiết lập các biện pháp quản lý khủng hoảng và xây dựng lòng tin, nhằm hạ nhiệt căng thẳng”.
Ông Biden dự kiến sẽ “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh các hành động có thể làm tổn hại đến hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực”. (Theo BBC) |
Đức Vũ