Mỹ phái một loạt máy bay săn tàu ngầm tiên tiến nhất tới Nhật
(Dân trí) - Hải quân Mỹ đã triển khai 2 máy bay tuần tra săn tàu ngầm tiên tiến P-8A đầu tiên tới Nhật, nhằm nâng cao khả năng săn tàu ngầm và các loại tàu khác của Mỹ ở các vùng biển gần Trung Quốc. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2404/Trung-Quoc-lap-vung-phong-khong-gay-tranh-cai.htm'><b> >> Trung Quốc lập vùng phòng không gây tranh cãi</b></a>
Thông tin được giới chức quân sự Mỹ tiết lộ vào ngày thứ hai 2/12, giữa lúc căng thẳng khu vực tăng cao.
Tuy nhiên, việc triển khai các máy bay đã được lên kế hoạch trước khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không vào ngày 23/11, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật trên Hoa Đông. Theo dự kiến ban đầu, 4 chiếc máy bay tương tự sẽ tới Nhật trong những ngày tới.
Lầu Năm Góc cho biết đây là hoạt động bay thường lệ trong khu vực, bao gồm cả vùng phòng không Trung Quốc mới thành lập. Dĩ nhiên, các máy bay này sẽ không thông báo trước cho phía Bắc Kinh.
Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết thêm, các hoạt động thường lệ này bao gồm cả bay do thám.
Động thái triển khai P-8A diễn ra ngay trước thềm chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ vào tuần này, nhằm tìm kiếm cân bằng trong căng thẳng quân sự với Trung Quốc và ủng hộ Nhật khi nước này vướng vào tranh chấp với Bắc Kinh trên Senkaku/Điếu Ngư.
P-8A, do hãng Boeing sản xuất, dựa trên máy bay chở khách 737. P-8A được xây dựng nhằm thay thế cho máy bay tuần tra Lockheed Martin P-3 Orion đã già cỗi và phục vụ được 50 năm.
P-8A được trang bị thiết bị radar hiện đại nhất, ngư lôi và tên lửa chống hạm. P-8A có khả năng bay xa hơn và thời gian bay dài hơn P-3.
“P-8A là máy bay chống hạm và chống tàu ngầm tầm xa tiên tiến nhất thế giới”, Lầu Năm Góc từng cho hay.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeffrey Pool cho biết 2 máy bay P-8A đầu tiên tới Nhật vào hôm chủ nhật vừa qua. 4 chiếc nữa sẽ tới Nhật vào tuần này.
Một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận việc triển khai diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong khu vực. Theo ông, thời gian triển khai chỉ là trùng hợp, nhưng việc triển khai là nhằm củng cố khả năng giám sát môi trường biển trong khu vực của quân đội Mỹ. Dĩ nhiên, khu vực giám sát bao gồm cả vùng bao quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Washington cho hay không đứng về phía bên nào trong vấn đề chủ quyền nhưng lại công nhận quyền quản lý của Tokyo đối với Senkaku/Điếu Ngư và cho biết quần đảo nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Giới phân tích cho rằng quan điểm này có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự không mong muốn.
Trung Anh
Theo AP