Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không xin lỗi Nga, Moscow thảo kế hoạch trừng phạt kinh tế
(Dân trí) - Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn leo thang lên mức cao mới sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 26/11 tuyên bố Ankara sẽ không xin lỗi Moscow về vụ bắn rơi máy bay. Trong khi đó, Nga cân nhắc các giải pháp trừng phạt kinh tế Ankara.
Phát biểu với kênh truyền hình CNN của Mỹ ngày 26/11, Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Tôi cho rằng nếu có bên cần phải xin lỗi không phải chúng tôi. Những người vi phạm không phận của chúng tôi mới cần phải xin lỗi. Phi công và lực lượng của chúng tôi chỉ đơn thuần thực thi nhiệm vụ bảo vệ không phận”.
Thậm chí ông Erdogan còn tuyên bố trong cuộc họp với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara rằng: “Nếu vụ vi phạm không phận tương tự xảy ra ngày hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải hành động như vậy”.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng cho rằng Ankara bắn rơi máy bay Nga ngày 24/11 chỉ sau khi máy bay của Nga lờ đi những cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ khi đi vào không phận nước này. Ông Erdogan nói máy bay Nga đã vi phạm không phận, thậm chí còn làm bị thương 2 người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị bắn rơi khi nó vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng 17 giây.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những lời kể từ phi công Nga sống sót từ chiến đấu cơ Su-24 bị bắn rơi ngày 24/11. Phi công Konstantin Murakhtin phát biểu với báo giới rằng: “Không có cảnh báo nào hết, kể cả bằng radio hay bằng tín hiệu hình ảnh”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng vụ bắn rơi máy bay Nga không phải là ngẫu nhiên và chính xác hơn là “sự khiêu khích được lên kế hoạch từ trước”.
Tổng thống Nga Putin phát biểu với báo giới tại Moscow ngày 26/11 rằng vụ bắn rơi trên là hoàn toàn bất ngờ, và rằng: “Điều này chưa bao giờ chúng tôi nghĩ chúng tôi bị tấn công bởi một nước mà chúng tôi vẫn xem họ là đồng minh. Chúng tôi từng xem Thổ Nhĩ Kỳ là một nước đồng minh”.
Ông Putin cho rằng máy bay Nga bị tấn công ngay trong không phận Syria, khoảng 1km cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận về băng ghi âm cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng đoạn băng ghi âm mà phi công Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo với phi hành đoàn trên chiếc Su-24 bị bắn rơi là hoàn toàn giả mạo.
Ngay sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, Điện Kremlin đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 tới căn cứ không quân Hmeymin gần tỉnh Latakia trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 45km, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu cho biết trên trang mạng xã hội Twitter ngày 25/11.
Moscow thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị các bộ trưởng Nga thảo ra các giải pháp trừng phạt kinh tế đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi.
Bộ Nông nghiệp Nga tuyên bố bộ này sẽ tăng cường kiểm soát về hàng hóa nông sản và thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thông báo đưa ra trên trang chủ, Bộ Nông nghiệp Nga tuyên bố: “Bộ này sẽ tăng cường kiểm tra tại biên giới và các cơ sở sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ vì các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục vi phạm các tiêu chuẩn của Nga”.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev cho biết 15% các hàng hóa nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng tiêu chuẩn của Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexey Ulyukaev cũng cho hay trên mạng xã hội Twitter rằng dự án xây dựng đường khí đốt và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu mà Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang thực hiện sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga cho biết cơ quan này đang lo ngại về chất lượng và độ an toàn của quần áo trẻ em, đồ gỗ và các sản phẩm làm sạch có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số doanh nghiệp lữ hành Nga cũng tuyên bố sẽ cắt các tours tới Thổ Nhĩ Kỳ, một địa điểm yêu thích của du khách Nga.
Sự đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO, cho thấy bản chất nguy hiểm và khó lường của cuộc nội chiến Syria, vốn đã thu hút sự can dự của các cường quốc, trong đó có Mỹ, vào cuộc xung đột này.
Vũ Duy