1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bắn rơi Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ lộ mặt đối đầu Nga tại Syria

(Dân trí) - Với cái cớ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11 đã bắn rơi chiếc Su-24 của Nga trong lãnh thổ Syria. Động thái này được tin là bước đi rõ nhất, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ ra mặt chống lại Nga, sau thời gian dài bị nghi ngó lơ cho IS.

Ngày 24/11, một chiếc Su-24 của Nga trên đường trở về căn cứ sau cuộc không kích các phần tử khủng bố tại miền bắc Syria đã bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Chính quyền Ankara sau đó ra tuyên bố khẳng định chiếc Su-24 của Nga vi phạm không phận, dù được cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút trước khi bị bắn. Cụ thể, thời gian máy bay Nga xâm nhập được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xác định là 17 giây.

Chiếc Su-24 bốc cháy sau khi trúng tên lửa của máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)
Chiếc Su-24 bốc cháy sau khi trúng tên lửa của máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, bằng chứng từ phía Nga cho thấy, chiếc Su-24 chưa hề đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Phi công Nga Murakhtin, hoa tiêu trên máy bay, sau khi nhảy dù và được giải cứu khẳng định không hề có cảnh báo nào được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

“Trên thực tế, không hề có cảnh báo nào cả. Không qua điện đàm cũng không bằng hình ảnh, do đó chúng tôi không hề thay đổi lộ trình. Bạn cần phải hiểu sự khác biệt về tốc độ giữa một chiến đấu cơ ném bom chiến thuật như Su-24, và một chiếc F-16. Nếu họ muốn cảnh báo chúng tôi, họ có thể “ngồi” lên cánh máy bay chúng tôi”, Murakhtin, hoa tiêu trên chiếc Su-24, quả quyết. “Những gì xảy ra đó là tên lửa đột ngột bắn vào phía sau máy bay chúng tôi. Chúng tôi thậm chí không có thời gian để bẻ lái né tránh”.

Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn IS chống Syria?

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ, như cách nói của Tổng thống Putin, đã “đâm sau lưng” Nga - một đối tác quan trọng về kinh tế của Ankara, và đang đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria?

Trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 25/11, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO, Tướng Wesley Clark, khẳng định “bối cảnh lớn hơn” của vụ bắn rơi chiếc Su-24 đó là thực tế rằng IS là nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, và do đó sẽ nhắm tới các quốc gia của người Hồi giáo Shia. Theo ông Clark, Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng IS như một lực lượng chống lại chính quyền Syria láng giềng, theo kiểu “kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”.

Trung Đông đầy bất ổn với xung đột giữa cộng đồng người Hồi giáo Shiite (màu xanh) và Sunni (Ảnh: Pew Research Center)
Trung Đông đầy bất ổn với xung đột giữa cộng đồng người Hồi giáo Shiite (màu xanh) và Sunni (Ảnh: Pew Research Center)

“Điều này có nghĩa là chúng đang phục vụ cho các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Arập xê út, cho dù tổ chức này cũng là mối đe dọa với chính những nước này. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Arập xê út đều không muốn hình thành cây cầu Iran-Iraq-Syria-Li-băng, khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập, và loại Arập xê út khỏi cuộc chơi”, ông Clark nói.

Iran, Iraq, Syria và Li-băng đều là các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo Shia chiếm đa số. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Arập xê út gồm phần đông là người Hồi giáo dòng Sunni.

Tướng Clark khẳng định: “Lâu nay, tất cả đều hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hậu thuẫn IS theo một cách nào đó”, như để các chiến binh tự do gia nhập IS thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và mua dầu mỏ bất hợp pháp từ IS trên thị trường chợ đen. “Phải có ai đó đang mua số dầu mà IS đem bán. Nó phải chảy về đâu đó, mà theo tôi có lẽ nó chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Clark nhận định.

Quả thực, mối liên hệ bí mật giữa Ankara và IS đã trở nên “không thể chối cãi” sau cuộc bố ráp của đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 5. Tại đây binh sỹ Mỹ đã tiêu diệt tên Abu Sayyaf, một thủ lĩnh cấp cao của IS phụ trách buôn bán dầu và khí đốt tại Syria.

Cuộc đột kích tại thành phố Deir Ezzor, Syria còn thu giữ “hàng trăm thiết bị lưu trữ di động và tài liệu” cho thấy các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn trực tiếp với các thành viên cấp cao IS, tờ Guardian đưa tin. Ước tính IS mỗi tháng thu về tới 10 triệu USD từ bán dầu lậu.

Những mối liên hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS là “rõ ràng” và “không thể chối cãi” tới mức “có thể dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong chính sách về quan hệ giữa chúng ta và Ankara”, một quan chức cấp cao của phương Tây khẳng định với Guardian sau cuộc bố ráp.

Một thủ lĩnh lực lượng người Turkmen tại Syria trưng ra vật dụng được khẳng định lấy từ phi công chiếc Su-24 của Nga (Ảnh: Reuters)
Một thủ lĩnh lực lượng người Turkmen tại Syria trưng ra vật dụng được khẳng định lấy từ phi công chiếc Su-24 của Nga (Ảnh: Reuters)

Ngoài các tay súng IS, Thổ Nhĩ Kỳ còn hậu thuẫn một loạt các nhóm phiến quân khác chống chính quyền Assad, trong đó có lực lượng Turkmen, gồm những người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ, ở miền bắc Syria. Đây chính là những kẻ đã tuyên bố bắn chết phi công chiếc Su-24 trong lúc người này đang nhảy dù sau khi máy bay bị trúng tên lửa.

Việc Nga tấn công IS tại Syria, giữa lúc Ankara nỗ lực lật đổ chính quyền Assad, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Đặc biệt khi gần đây, với sự yểm trợ trên không của Nga, quân đội Syria đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Mátxcơva cũng nhiều lần tuyên bố không chỉ tiêu diệt các phần tử IS mà bất kỳ nhóm khủng bố nào hoạt động tại Syria. Những tuần gần đây, chiến đấu cơ Nga đã ném bom nhiều khu vực của lực lượng Turkmen.

Chỉ một ngày trước vụ bắn rơi máy bay Nga, Reuters đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp, để bàn về việc người Turkmen trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công của Nga và quân đội Syria. Trước đó, Ankara cũng đã triệu đại sứ Nga để yêu cầu chấm dứt chiến dịch quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đông đảo chiến binh Turkmen trú ẩn.

Phản đòn của Nga

Sau khi thông tin chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi được các nhận, Tổng thống Putin đã gọi đây là “hành động đâm sau lưng” của “những kẻ đồng phạm với khủng bố”, đồng thời cảnh báo về “hậu quả lớn”.

Bộ quốc phòng Nga ngày 25/11 thông báo đã triển khai tuần dương hạm Moskva tới căn cứ không quân Hemeimeem, tại tỉnh Latakia, chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 50km. Các hệ thống tên lửa phòng không S-400, với tầm bắn 400km cùng độ chính xác chết người cũng đã được lệnh tới Hemeimeem để đảm bảo an toàn cho các chiến đấu cơ và căn cứ Nga.

Hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga S-400 (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga S-400 (Ảnh: Sputnik)

Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng bị loại trừ, bởi hơn ai hết Mátxcơva biết rằng điều đó là không khôn ngoan. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng trong ngày 25/11 khẳng định sẽ không xảy ra chiến tranh, dù mô tả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là động thái “khiêu khích có tính toán”.

Trước vụ việc ngày thứ Ba, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một phần quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm tìm kiếm các đối tác mới ngoài Mỹ và EU sau những lệnh cấm vận của phương Tây. Nay tình hình sẽ thay đổi, nhưng rõ ràng Mátxcơva không muốn để tình hình xấu đi thêm nữa. Việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ankara càng không được bàn tới. Thay vào đó, Nga đang sử dụng những đòn trừng phạt kinh tế.

Một trong những tuyên bố chính được đưa ra hôm thứ Tư đó là Nga từ tuần tới sẽ cấm nhập khẩu một số mặt hàng gia cầm từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Đây khó có thể là dấu hiệu cho thấy ý định hiếu chiến” của Nga, tờ Guardian bình luận.

Ngoài ra, một biện pháp khác có khả năng sẽ phát huy hiệu quả đó là thông báo cấm các hãng lữ hành Nga đưa du khách tới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm, Thổ Nhĩ Kỳ đón khoảng 4 triệu du khách Nga và lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là tại khu vực duyên hải phía nam. Rất nhiều khách sạn lớn của nước này được xây dựng tại đây dành riêng cho việc đón khách từ thị trường Nga.

Tờ Wall Street Journal dẫn tính toán của quỹ đầu tư Renaissance Capital cho biết, du khách Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ thu về khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra khoảng 60% lượng khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu đến từ Nga.

Ngoài công cụ kinh tế, một số nhà phân tích cho rằng Nga sẽ gia tăng chiến dịch quân sự tại Syria. Cựu thiếu tá quân đội Mỹ Ralph Peters nhận định trên kênh Fox News rằng, Nga có thể “tăng gấp 3 lần các cuộc không kích vào các phiến quân chống Assad được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn”.

Và dường như điều này đang trở thành hiện thực. Hãng tin Reuters cho biết, các khu vực do quân nổi dậy Syria chiếm giữ gần Latakia, nơi chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi, ngày 25/11 đã hứng chịu oanh tạc nặng nề.

Một thủ lĩnh của lực lượng Turkmen được Ankara hậu thuẫn, thì xác nhận với hãng tin Fairfax Media rằng, có vẻ Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trong 24 giờ qua. Người này cũng khẳng định chính lực lượng nổi dậy Turkmen đã bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiếc Su-24.

“Giờ chúng tôi tin sẽ bị người Nga tấn công với tất cả những gì họ có”, người có tên Abu Musab nói. “Với chúng tôi, tình hình không thể tồi tệ hơn hiện tại. Chúng tôi đang chịu sức ép rất nặng nề từ cả người Nga và chính quyền Syria”.

Thanh Tùng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm