1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế giới dõi theo hành động của Putin sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi

(Dân trí) - Khi căng thẳng giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ngày một tăng thêm nhiệt, cả thế giới đang dõi theo bước đi tiếp theo của Tổng thống Putin nhằm đáp trả Ankara sau vụ một máy bay quân sự của Mátxcơva bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào sáng 24/11 với cáo buộc vi phạm không phận.

 


Tổng thống Nga Putin ngày 24/11 tố Thổ Nhĩ Kỳ đâm sau lưng và đồng lõa với khủng bố (Ảnh: Bloomberg)

Tổng thống Nga Putin ngày 24/11 tố Thổ Nhĩ Kỳ "đâm sau lưng" và "đồng lõa với khủng bố" (Ảnh: Bloomberg)

Mối quan hệ “căng như dây đàn” giữa Mátxcơva và Ankara một lần nữa lại làm tình hình an ninh thế giới, vốn bị sốc bởi loạt tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris ngày 13/11 khiến 130 người thiệt mạng, lại nóng lên bởi những lo ngại có cơ sở về nguy cơ đối đầu quân sự giữa các cường quốc và xa hơn, nếu không kiểm soát, là Thế chiến III.

Căng thẳng giữa Mátxcơva-Ankara đang thu hút nhiều học giả và các nhà phân tích đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới để phân tích và lý giải xem bước đi nào Tổng thống Putin sẽ thực hiện nhằm đáp trả lại Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố bắn rơi máy bay Nga.

Các học giả đưa ra một loạt các khả năng mà Điện Kremlin có thể sẽ áp dụng để vừa không mất mặt trước công chúng Nga, vừa không đẩy nhân loại vào một Thế chiến III. Các giải pháp Điện Kremlin có thể tính tới là các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao và năng lượng lên Ankara và xấu nhất là quân sự.

Ngay sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin đã phản ứng giận dữ, tố Ankara là “đâm lén sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố”. Ngoại trưởng Nga cũng hủy chuyến công du đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/11 và kêu gọi các công dân Nga không đến Thổ Nhĩ Kỳ hay thậm chí đình chỉ giao thông hàng không với Ankara.

Lukasz Kulesa, Giám đốc nghiên cứu thuộc Mạng lưới lãnh đạo châu Âu trụ sở tại London, chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi tình hình Nga-NATO, nhận định: “Tình hình trở nên rất nghiêm trọng, có thể bùng phát thành một cuộc xung đột”.

Ông Kulesa chỉ ra rằng có những dấu hiệu Nga sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ thay vì áp dụng các giải pháp ngoại giao. Sự cố bắn rơi máy bay Nga không có gì quá ngạc nhiên bởi trước đó vào tháng 10 Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Nga về đáp trả nếu các tiêm kích của Mátxcơva vi phạm không phận.

Học giả Kulesa cũng cảnh báo: “Sự vụ trên có thể đẩy chúng ta quay lại thời khắc đen tối của Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô cũ và phương Tây”.

“Hành động đầu tiên có thể là Tổng thống Putin sẽ cảnh báo. Nga cũng có thể áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế thay vì quân sự”, ông Kulesa nhấn mạnh.

“Trừng phạt kinh tế có thể là giải pháp có khả năng cao nhất bởi Nga đầu tư nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đến Mátxcơva có khả năng đồng thời giảm cấp độ quan hệ ngoại giao. Những giải pháp này có thể đang được Điện Kremlin đang cân nhắc”, ông Kulesa phân tích.

Trong khi đó, Tiến sĩ Natasha Kuhrt thuộc Đại học King, một trong ngồi trường danh giá nhất nước Anh, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang phụ thuộc vào Nga về năng lượng và đây là yếu tố có thể được tính đến.


Sơ đồ đường bay (màu đỏ) của chiếc Su-24 do phía Nga đưa ra, còn màu xanh do phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp (Ảnh: Sydney Morning Herald)

Sơ đồ đường bay (màu đỏ) của chiếc Su-24 do phía Nga đưa ra, còn màu xanh do phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp (Ảnh: Sydney Morning Herald)

Một bức tranh lớn hơn: quan hệ Nga-NATO sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ NATO sẽ phản ứng như thế nào sau sự cố trên. Tuy nhiên, cả Nga và NATO đều muốn ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng trên bình diện quân sự, theo học giả Kuhrt.

Daniel W. Drezner, Giáo sư về chính trị quốc tế tại Trường Pháp luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts của Mỹ nhận định Nga và NATO sẽ hành động ra sao trong tuần tới và liệu một giai đoạn mới của xung đột giữa hai bên có được châm ngòi.

Giáo sư Drezner xem xét 3 yếu tố: (i) liệu có bằng chứng không thể phủ nhận về địa điểm mà chiếc Su-24 bị bắn rơi, (ii) liệu Tổng thống Putin có tăng nhiệt ở những vùng mới và (iii) liệu Tổng thống Mỹ Obama có bị kéo vào cuộc bằng việc đứng đầu NATO để đối đầu với Nga.

Theo hãng tin AFP, chuyên gia phân tích hàng đầu về châu Âu và Trung Á, ông Daragh McDowell nhận định: “Điện Kremlin có thể sẽ hạn chế công bố về những mất mát trên chiến trường, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể có quan điểm đối đầu”.

Alan Mendoza,Giám đốc điều hành Hiệp hội cánh hữu Henry Jackson đánh giá sự cố trên cho thấy tiềm tàng về một cuộc xung đột trên bình diện toàn cầu.

“Hành động đơn phương hay sự đe dọa của Nga có thể dẫn tới việc đối đầu với phương Tây và NATO có thể xảy ra”, học giả Mendoza phát biểu.

Vũ Duy

Tổng hợp

 

Thế giới dõi theo hành động của Putin sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm