1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Nga vạch lý do gốc rễ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Su-24

(Dân trí) - Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng nhiều chuyên gia cho rằng quan hệ giữa một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ máy bay F-16 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được lệnh bắn hạ máy bay Su-24.

 


Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev 

 

Hãng tin RT của Nga dẫn phát biểu của Thủ tướng Dmitry Medvedev ngày 25/11 cho rằng một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có "lợi ích tài chính trực tiếp" trong giao dịch dầu mỏ với nhóm IS. Do đó, đây có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ việc nêu trên.

"Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng để bảo vệ cho IS. Không có gì bất ngờ vì sau khi cân nhắc các thông tin, chúng tôi nhận thấy một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích tài chính trực tiếp từ các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất tại những khu vực mà IS kiểm soát. Hành động thiếu thận trọng và gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy căng thẳng giữa Nga và NATO vào tình thế nguy hiểm", Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Nga, Mátxcơva đang có kế hoạch cân nhắc hủy các dự án quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, như dự án đường ống dẫn đầu mới hay thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, và cấm những công ty của nước này làm ăn tại thị trường Nga. Hiện Nga cũng đã khuyến cáo công dân không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ do những nguy cơ về tấn công khủng bố.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng RT, bà Catherine Shakdam, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Đông Shafaqna, cho rằng thời điểm máy bay Su-24 của Nga bị tấn công có thể liên quan tới khả năng Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại Mátxcơva phát hiện thấy các bằng chứng cho thấy Ankara có dính dáng tới các nhóm khủng bố.

"Vụ bắn rơi máy bay Nga cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm cực đoan trong khu vực, đặc biệt là với IS. Tuy nhiên, có rất nhiều các nhóm khủng bố khác tại khu vực này như Mặt trận al-Nusra hay mạng lưới của al-Qaeda... Thời điểm của vụ tấn công và khả năng Nga sắp cắt đứt được các giao dịch tài chính giữa IS với các bên qua hoạt động buôn bán dầu mỏ khiến tôi có thể khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã lo sợ đôi chút".

"Liệu Nga có thể đã tìm ra được những thông tin hay bằng chứng cụ thể trên mặt đất cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu tới các nhóm khủng bố hoặc Nga đã chặn đường dòng chảy của các nguồn tài chính bất minh?... Có nhiều mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS. Tôi cho rằng tiền có thể là một trong số đó", bà Catherine Shakdam nhận xét.

Cùng ngày, Đài tiếng nói của Nga cũng đã phỏng vấn các ý kiến từ Pháp về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Jean-Vincent Brisset và Phó Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp, ông Gilbert Collard, vụ bắn hạ chiếc máy bay đang làm nhiệm vụ chiến đấu chống IS tại Syria đã chỉ ra những mục tiêu ưu tiên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi cho rằng vụ máy bay Nga bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu của IS không khác nào một hành động ủng hộ nhóm Thánh chiến cực đoan này. Thổ Nhĩ Kỳ có thể triệu tập một cuộc họp khẩn của NATO song điều đó không thể thay đổi các vấn đề trong cuộc chiến chống khủng bố. Bạn phải lựa chọn đồng minh cho mình song không may là người Thổ lại không làm như vậy", Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp, ông Gilbert Collard nhận xét.

Còn theo ông Jean-Vincent Brisset, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Các vấn đề chiến lược của Pháp (IRIS), cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

"Người Thổ luôn tìm cách khắc chế người Kurd hơn là nhóm IS. Lúc này, ai cũng nói về việc thành lập các liên minh và tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, đã tới lúc cần xác định một kẻ thù chung. Tôi nghĩ Nga đã rất kiềm chế khi tránh những vụ va chạm nghiệm trọng. Giờ là lúc các bên chơi bài ngửa với nhau. Một là họ về phe Nga và các quốc gia khác trong liên minh chống IS, hoặc là họ chơi theo cách của mình", chuyên gia Jean-Vincent Brisset nhận xét.

Ngọc Anh

Tổng hợp