Thế giới "đau đầu" với bài toán công nhận chính phủ của Taliban
(Dân trí) - Chính phủ của Taliban tại Afghanistan cần được các nước công nhận mới có đủ tính định danh chính thức trong mắt các tổ chức viện trợ và nhà đầu tư quốc tế. Nhưng ai sẽ công nhận và khi nào?
Mỹ đã rút khỏi Afghanistan ngày 30/8 sau 20 năm tham chiến và Taliban lại một lần nữa lên nắm quyền tại đất nước có khoảng 40 triệu dân nhưng hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất, bị tàn phá sau nhiều thập kỷ bạo lực, biến động.
Sau 20 năm, Taliban lại lên nắm quyền Afghanistan và trở thành mối quan ngại vì thời kỳ cầm quyền bạo lực trước đây, vì vậy triển vọng để chính phủ mới của Taliban được cộng đồng quốc tế chấp nhận chính thức vẫn rất mơ hồ.
Các nước trên thế giới đang đứng trước một vấn đề đau đầu: xử sự như thế nào với một tổ chức vũ trang vẫn nằm trong danh sách theo dõi khủng bố trên khắp thế giới này?
Vì sao các nước quan tâm đến tương lai Afghanistan?
Có 3 lý do chính: chống khủng bố, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và viện trợ nhân đạo.
Thế giới nỗ lực đảm bảo một Afghanistan ổn định để không trở thành "thiên đường" cho những kẻ khủng bố, như thời kỳ Taliban nắm quyền từ năm 1996-2001. Taliban khi đó đứng sau hỗ trợ cho Al-Qaeda và thủ lĩnh Osama Bin Laden. Mặc dù hiện nay Taliban thể hiện một đường lối ôn hòa hơn nhưng nhóm này chưa bao giờ đoạn tuyệt với Al-Qaeda.
Một nhóm khủng bố khác, ISIS-K, một nhánh của nhóm IS ở Afghanistan, ra đời trong thời kỳ Washington chiếm đóng nước này, đã xung đột với Taliban và tấn công lực lượng Mỹ. Liệu Taliban có thể kiểm soát nhóm này hay không là vấn đề quan tâm hiện nay chưa thể nói trước.
Các cường quốc nước ngoài cũng đang vật lộn với thảm họa nhân đạo mà họ để lại, làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng tị nạn mới. Liên hợp quốc cho biết, hơn 18 triệu người cần viện trợ và 50% trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Và tất nhiên, một số quốc gia nhòm ngó trữ lượng khoáng sản ước tính 3.000 tỷ USD ở Afghanistan bao gồm vàng, đồng và lithium.
Taliban phải làm gì?
Cả thế giới đang dõi theo Taliban để xem tổ chức này lập chính phủ như thế nào và hoạt động ra sao. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Taliban thành lập một ban lãnh đạo toàn diện hơn, gồm đại diện phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo của đất nước.
Trong thời kỳ cuối cùng nắm quyền của Taliban vào năm 2001, chỉ có một số quốc gia công nhận chính phủ của họ. Nhưng nhóm này hiện đã mở rộng hoạt động hơn và các quan chức nước ngoài đã làm ăn với các đại diện của Taliban trong một thời gian.
Peter Stano, một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU), cho biết: "Taliban sẽ được xem xét công nhận dựa trên các hành động của chính họ, cách họ tôn trọng các cam kết quốc tế của đất nước, tôn trọng các quy tắc cơ bản của dân chủ và pháp quyền". Ông nhấn mạnh, "lằn ranh đỏ" lớn nhất là tôn trọng nhân quyền và đặc biệt là quyền của phụ nữ.
Mỹ tuyên bố chỉ công nhận chính quyền mới khi Taliban có hành động thực sự cho thấy tổ chức này thực hiện đúng những cam kết như: cho phép người Afghanistan và người nước ngoài tự do sơ tán khi có giấy tờ hợp lệ, đảm bảo quyền của phụ nữ và dân tộc thiểu số. Và có lẽ yếu tố quan trọng hơn đối với Washington là Taliban có thể ngăn chặn các nhóm khủng bố quốc tế sử dụng Afghanistan như một cơ sở để tấn công khủng bố như vụ 11/9/2001 hay không.
"Mỗi bước chúng tôi thực hiện sẽ không dựa trên những gì một chính phủ do Taliban lãnh đạo nói ra, mà là những gì họ sẽ làm để thực hiện đúng các cam kết của mình", Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố.
Tính chính danh của chính phủ mới của Taliban sẽ giúp họ dễ dàng tiếp cận với các tổ chức viện trợ và nhà đầu tư quốc tế từ các quốc gia và tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Tương lai nào cho những người rời bỏ đất nước?
Không ai chắc chắn về điều này.
Mỹ và 97 quốc gia khác cho biết sẽ tiếp tục tiếp nhận những người sơ tán khỏi Afghanistan và đã đạt được thỏa thuận với Taliban về việc này. Hồi cuối tháng 8, trưởng đoàn đàm phán của Taliban đã tuyên bố sẽ cho phép những người có hộ chiếu nước ngoài và người Afghanistan có thị thực hợp lệ được sơ tán. Nhưng đã có nhiều nghi ngại về cam kết này.
Đã có nhiều báo cáo về việc các tay súng Taliban đang truy lùng những người từng giữ các chức vụ cao trong chính phủ cũ hoặc những người đã hỗ trợ lực lượng Mỹ và NATO. Một số đã bị giết; những người khác đang lo sợ về tính mạng. Sân bay Kabul không hoạt động và chưa biết khi nào mở cửa trở lại.
Các giao lộ chính trên bộ cũng hầu như bị đóng cửa. Liên hợp quốc ước tính, 500.000 người Afghanistan có thể rời khỏi nước này vào cuối năm nay, đặc biệt là sang Pakistan và Iran.