1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế bất lợi của Ukraine trong cuộc xung đột khốc liệt với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine có thể gặp nhiều rủi ro hơn là lợi ích trong lúc cuộc chiến tiêu hao giữa nước này và Nga hiện đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Thế bất lợi của Ukraine trong cuộc xung đột khốc liệt với Nga - 1

Chuyên gia cho rằng, giao tranh giữa Nga và Ukraine đã chuyển sang giai đoạn cuộc chiến tiêu hao (Ảnh: Reuters).

Theo Newsweek, chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa phát đi bất cứ tín hiệu nào cho thấy quyết tâm của họ trong chiến dịch quân sự sắp tròn 4 tháng ở Ukraine sẽ suy giảm. Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia nhận định việc cuộc chiến bị kéo dài sẽ trao cho Nga nhiều lợi thế hơn Ukraine.

Dù Nga cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì lệnh trừng phạt, hay việc kho vũ khí bị giảm sút vì cường độ chiến đấu dữ dội ở miền Đông Ukraine, họ vẫn có lượng khí tài lớn hơn nhiều Kiev, cũng như quân số đông hơn. Ngoài ra, Nga cũng vẫn còn nguồn lực tài chính để duy trì chiến sự nhờ giá nhiên liệu tăng phi mã và Moscow bắt đầu chuyển sang giao dịch với các quốc gia được họ xếp vào nhóm thân thiện ở châu Á.

"Ukraine nhận ra không thể thắng trong điều kiện hiện tại. Trong khi đó, Nga cho thấy họ đã chiến đấu hiệu quả hơn (so với giai đoạn trước)", Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern (Mỹ) nói với Newsweek.

Theo ông Reno, Nga dường như cũng đang đối mặt với các hạn chế về nguồn lực sau nhiều tháng chiến sự khiến họ chưa thể có những bước tiến đột phá trên chiến trường. Ukraine cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng có ít nhân lực, vũ khí, đạn dược hơn hẳn.

Tuy nhiên, ông Reno cho rằng, điều này không có nghĩa là Ukraine không còn hy vọng. Ngoài ra, ông cũng dự đoán, cuộc chiến này sẽ được định đoạt bằng các yếu tố kinh tế và chính trị hơn là thuần túy những diễn biến trên chiến trường.

Ông Reno cũng chỉ ra một yếu tố bất lợi cho Ukraine là Kiev đôi lúc phải phụ thuộc vào quyết định của một khối phương Tây đang có những "sóng ngầm" bên trong. Những khác biệt về mặt quan điểm, lợi ích có thể khiến NATO hay EU không thể đưa ra những quyết định hỗ trợ có lợi nhất cho Ukraine.

Chuyên gia Dmitri Alperovitch của tổ chức Silverado Policy Accelerator nhận định rằng, ông Putin có thể sẽ kéo dài cuộc chiến tới mùa đông để khiến châu Âu cảm thấy tầm ảnh hưởng lớn của khí đốt Nga với khu vực.

Theo Newsweek, đã có những dấu hiệu cho thấy ông Putin đã sẵn sàng kéo dài chiến sự cho đến ít nhất là tháng 10. Theo tổ chức Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), Phó cục trưởng Tình báo chính Ukraine Vadym Skibitsky cho biết Ukraine đã nhận được thông tin rằng các lực lượng Nga dường như đã tiếp tục lập kế hoạch tác chiến trong 120 ngày tới, bắt đầu vào tháng 10.

Ông Reno chỉ ra một điểm có lợi cho Ukraine nếu chiến sự kéo dài là họ có thêm thời gian để các quân nhân Kiev được đào tạo về vũ khí phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, một thực tế là nền quốc phòng Ukraine hiện phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ phương Tây và nó có rủi ro là nguồn này có thể không thể duy trì nếu thời gian kéo quá dài.

Phương Tây cũng đang đối mặt với bài toán khó của họ khi giá năng lượng, lạm phát đều tăng đáng kể. Nhiều quốc gia cũng bày tỏ quan ngại khi kho vũ khí dần cạn vì mang đi viện trợ Ukraine.

Khác với Nga, Ukraine không có nguồn thu lớn từ xuất khẩu trong thời chiến.

"Nếu nguồn tài chính không bền vững hay được thể chế hóa để giải quyết nhu cầu của ngân sách, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa", Tymofiy Mylovanov, cố vấn của tổng thống Ukraine, cảnh báo.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine