1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thất thế ở Donbass, Ukraine giục Mỹ chuyển gấp vũ khí "thay đổi cuộc chơi"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine thúc giục Mỹ và đồng minh NATO chuyển loại vũ khí mà họ "cần khẩn cấp" trong bối cảnh Kiev đang gặp bất lợi trước lực lượng Nga ở Donbass, nhưng phương Tây vẫn đang chần chừ vì một số lý do.

Thất thế ở Donbass, Ukraine giục Mỹ chuyển gấp vũ khí thay đổi cuộc chơi - 1

Một hệ thống rocket phóng loạt của Mỹ (Ảnh minh họa: AFP).

Newsweek ngày 26/5 đưa tin, các lãnh đạo Ukraine đang gia tăng kêu gọi Mỹ và các nước NATO về việc gửi các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) để giúp đối phó với đà tiến của Nga tại mặt trận Donbass, Đông Ukraine.

Các hệ thống vũ khí hạng nặng của phương Tây, bao gồm lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất, đã vào biên chế ở tiền tuyến. Tuy nhiên, Ukraine nói rằng họ vẫn cần nhiều hơn. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, nhu cầu khẩn cấp nhất của Kiev lúc này chính là có hệ thống MLRS mà Ukraine tin rằng "có thể thay đổi cuộc chơi" trước sự áp đảo của hệ thống vũ khí hạng nặng Nga đang triển khai ở Donbass.

MLRS đã được Ukraine đưa lên đầu danh sách vũ khí mà họ yêu cầu viện trợ khi chiến dịch quân sự giai đoạn 2 của Nga đang tập trung vào cuộc đối đầu giữa các hệ thống pháo và hỏa lực.

MLRS là hệ thống bệ phóng rocket được đặt trên một phương tiện có thể di chuyển cơ động. Chúng giúp các quân nhân đa dạng hướng tấn công trong thời gian ngắn, di tản nhanh chóng để tránh bị đối thủ phản công.

Mỹ hiện có 2 dòng MLRS là M270 và M142 HIMARS. Rocket phóng từ M270 có thể tấn công mục tiêu trong khoảng cách 32-64km, với những hỏa lực hiện đại thậm chí cho tầm tấn công 160km. Trong khi đó, M142 HIMARS sở hữu rocket với tầm tấn công tiêu chuẩn là gần 300km, trong khi đạn đặc biệt có thể đạt tầm tấn công 500km.

Nếu đặt lên bàn cân so sánh thì M777 chỉ có tầm tấn công 40km, ngắn hơn hẳn các hệ thống MLRS.

Vì vậy, Ukraine đang bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới MLRS và thúc giục Mỹ và phương Tây sớm gửi vũ khí này. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng phản công ở Donbass và cần khẩn cấp MLRS từ NATO.

Ukraine cũng sở hữu MLRS trong kho vũ khí, nhưng chúng đều là từ thời Liên Xô. Nga là bên duy nhất còn sản xuất số lượng lớn đạn dược cho các hệ thống dạng này, nên Kiev nói rằng họ cần phương Tây lấp vào khoảng trống MLRS mà họ đang cần bổ sung.

MLRS với tầm xa hơn cho phép Ukraine nhằm mục tiêu vào các hệ thống pháo binh của Nga, các cơ sở hậu cần của Moscow ở miền Đông, thậm chí giúp cho Kiev phá ưu thế áp đảo của hải quân ở Biển Đen. Ukraine cho biết, các hệ thống hỏa lực tầm xa hơn rất quan trọng với họ.

Pavlo Kyrylenko, thống đốc vùng Donetsk, nơi đang diễn ra giao tranh dữ dội, nói với Newsweek rằng việc phương Tây viện trợ thêm pháo binh tầm xa và chính xác hơn như MLRS có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi".

Theo nguồn tin mới nhất của CNN, Mỹ đang cân nhắc và có thể sẽ thông qua việc gửi các hệ thống tên lửa tầm xa, tiên tiến hơn cho Ukraine.

Tuy nhiên, Politico dẫn nguồn tin nói rằng, đây là yếu tố mà chính quyền Mỹ cân nhắc trong nhiều tuần qua, vì lo ngại rằng các hệ thống MLRS có thể bị Nga xem là phương Tây đang cố tình muốn leo thang căng thẳng với Moscow.

Với tầm bắn xa vượt trội, MLRS có thể nhằm mục tiêu vào sâu trong lãnh thổ Nga và Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng, việc trao cho Ukraine vũ khí tầm xa có thể khiến phương Tây bị trả đũa nếu Nga bị tấn công. NATO nhiều lần nhấn mạnh rằng, họ không muốn xảy ra đối đầu trực tiếp với Nga và sẽ tránh điều đó.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine