1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức hậu cần khiến Ukraine khó nhận vũ khí tiếp viện từ phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong bối cảnh chiến sự với Nga đang diễn ra căng thẳng, Ukraine được cho đang đối mặt với các thách thức có thể khiến họ khó nhận kịp thời các vũ khí do phương Tây hỗ trợ.

Thách thức hậu cần khiến Ukraine khó nhận vũ khí tiếp viện từ phương Tây - 1

Tên lửa chống tăng Javelin đang được Ukraine sử dụng để làm chậm đà tiến quân của Nga (Ảnh: BI).

Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova hôm 28/2 cho biết, Kiev đang rất cần được hỗ trợ khí tài quân sự, trong đó có vũ khí sát thương. Bà cho hay, Ukraine hiện sắp hết các tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin - hai khí tài quan trọng giúp Ukraine cản đà tiến công của lực lượng Nga.

Trước đó, liên minh châu Âu EU đã quyết định chi 503 triệu USD viện trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine vũ khí sát thương bao gồm các hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng, đạn dược và các thiết bị quân sự khác. Một khoản chi hơn 50 triệu USD khác sẽ được chi cho hàng hóa phi sát thương gồm nhiên liệu, đồ bảo hộ, mũ bảo hiểm và bộ dụng cụ sơ cứu.

Đức trước đó cũng thông báo cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, gồm 1.000 tên lửa chống tăng, 1.000 tên lửa đất đối không Stinger. Mỹ cũng công bố khoản hỗ trợ quân sự 350 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa Javelin, Stinger, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược.

Theo báo DW, tuy các bên đã cam kết viện trợ cho Ukraine vũ khí, nhưng một câu hỏi được đặt ra là liệu chúng có đến kịp tay của lực lượng Ukraine trong tình huống khẩn cấp này hay không khi thách thức về hậu cần được xem có thể ảnh hưởng tới cả tuyến đường viện trợ và thời gian mà Ukraine có thể cầm cự được trước lực lượng Nga.

Thách thức hậu cần

Từ trước tới nay, viện trợ quân sự từ phương Tây tới Ukraine thông qua đường bộ hoặc đường không, tùy thuộc vào loại vũ khí.

Tuy nhiên, Nga trước đó đã tuyên bố chiếm ưu thế trên không trên toàn bộ không phận Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc các tiêm kích hoặc hệ thống phòng thủ của Nga có thể đánh chặn các máy bay chở hàng tiếp viện, theo chuyên gia Gustav Gressel từ tổ chức Hội đồng quan hệ nước ngoài châu Âu.

Việc chuyển thiết bị quân sự trên đường không đang gặp trở ngại đã khiến tâm điểm của sự chú ý dồn vào Ba Lan, quốc gia có đường biên giới 535 km với Ukraine. Lục quân Mỹ từ trước tới nay thường di chuyển lực lượng và thiết bị quân sự qua Ba Lan.

Thêm vào đó, việc Hungary từ chối cho phép vũ khí sát thương "quá cảnh" qua lãnh thổ của họ khiến cho vai trò của Ba Lan trong việc chuyển giao thiết bị tiếp viện cho Ukraine càng gia tăng.

Ed Arnold, chuyên gia tại Viện Royal United Services (Anh), nói với DW rằng: "Tất cả các thiết bị về cơ bản đang chuyển qua biên giới Ba Lan vào thời điểm hiện tại. Ngay cả khi Slovakia muốn làm điều này, tuyến đường vận chuyển không dễ dàng vì địa hình núi đồi của nước này".

Theo ông Arnold, Nga có lợi thế nhất định trong việc chặn tuyến đường tiếp tế nói trên khi họ có thể di chuyển vào khu vực tây nam Belarus để tìm cách ngăn các chuyến xe chở vũ khí vào Ukraine.

Ngoài yếu tố về hậu cần, tiến độ cũng là điều mà các tuyến hàng viện trợ này phải đảm bảo.

Chuyên gia Arnold cho biết, đây là vấn đề lớn với Ukraine khi lực lượng của họ ở khu vực phía đông sông Dnieper có thể sớm bị cạn kiệt khí tài. Nếu họ không được tiếp viện sớm, họ có thể sẽ mất hết lợi thế trước Nga.

Ngay cả trong kịch bản máy bay Ukraine bay sang Ba Lan lấy đồ tiếp viện mang về, chuyên gia trên đánh giá cách này không quá khả thi vì số lượng mỗi lần chuyển qua như vậy là hạn chế.

Ông Arnold cảnh báo, nguy cơ cạn kiệt đạn dược, vũ khí của Ukraine đang "trở nên nghiêm trọng". "Có thể Ukraine chỉ còn đủ đạn dược cho các hệ thống hạng nặng của họ trong 5 ngày mà thôi", chuyên gia trên phỏng đoán.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm