Dàn vũ khí đáng gờm của quân đội Ukraine
(Dân trí) - Dù không sở hữu kho khí tài và năng lực quân sự mạnh như Nga, nhưng Kiev cũng có những vũ khí đủ mạnh để làm chậm đà tiến của lực lượng Nga, khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các rocket từ Anh, tên lửa chống tăng từ Mỹ và Estonia, và máy bay không người lái (UAV) từ Thổ Nhĩ Kỳ là một số vũ khí mà Ukraine đang sử dụng để đối phó với các lực lượng Nga, khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ hôm 24/2.
Hiện giao tranh vẫn diễn ra tại một số khu vực ở Ukraine, khi lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine vào các vị trí chiến đấu, trong khi người dân được phát vũ khí để ngăn đà tiến của Nga. Ukraine vẫn đang sử dụng một số vũ khí được nước ngoài cung cấp trong chiến sự và nhấn mạnh rằng họ vẫn đang cần thêm những vũ khí này.
Tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin
Mỹ, Estonia và Anh là các nước cung cấp tên lửa chống tăng vác vai này tới cho Ukraine, trong đó Washington chuyển 300 quả, và các nước khác chưa có số liệu chính xác. Mỗi quả Javelin có giá 175.000 USD.
Javelin sử dụng hệ thống hồng ngoại để khóa mục tiêu ở khoảng cách lên tới 4.750 m, vì vậy khả năng nhắm vào đối thủ của nó trở nên chính xác hơn. Khi quân nhân khóa mục tiêu xe tăng và khởi động quá trình phóng tên lửa, động cơ tên lửa nhỏ sẽ lập tức đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng vác vai, bay vào không trung, sau đó động cơ chính bốc cháy và đẩy tên lửa rơi trúng mục tiêu.
Javelin có hai chế độ tấn công. Chế độ đầu tiên là tấn công trực tiếp, nghĩa là tên lửa bay thẳng về phía đối thủ. Chế độ thứ 2 là đẩy tên lửa lên cao hơn 150 m, rồi lao xuống nóc xe tăng. Đây là nơi có lớp giáp mỏng nhất trên xe.
Javelin có 2 đầu đạn được xem "khắc tinh" của giáp phản ứng nổ trên các xe tăng hiện đại, khi chúng sẽ xuyên thủng cả 2 lớp bảo vệ xe tăng.
Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW)
Anh là bên cung cấp cho Ukraine vũ khí này, vào khoảng 2.000 đơn vị, với giá 48.000 USD/đơn vị. Vũ khí này cũng hoạt động theo cơ chế vác vai và có thể tấn công từ các không gian hẹp.
Vũ khí này có cơ chế đặc biệt giúp nó có thể tăng tốc độ lên khoảng 200 m/s khi được phóng ra. Sau đó, nó sẽ dùng hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới phương tiện mục tiêu.
NLAW ban đầu là dự án hợp tác chung giữa Anh và Thụy Điển hồi năm 2002 nhằm thay thế các vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh. Vũ khí này được xem là có thể cung cấp cho bộ binh khả năng phòng thủ tầm gần cơ động chống lại xe tăng. Nó dài khoảng một mét, chỉ nặng 12 kg với tầm hoạt động tối đa 400 m cho các mục tiêu đang di chuyển.
Vũ khí này nhẹ hơn rất nhiều so với tên lửa Javelin. Tháng trước, Anh đã điều cố vấn tới Ukraine hướng dẫn quân nhân nước này sử dụng NLAW.
Tên lửa Stinger
Latvia và Lithuania đã thông báo gửi tên lửa này tới cho Ukraine trước khi chiến dịch của Nga bắt đầu. Mỗi quả này có giá 130.000 USD.
Đây là tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) sử dụng công nghệ dẫn đường bằng tia hồng ngoại để tìm kiếm và tấn công các mục tiêu đang bay.
Nó được phát triển lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1981 và hiện đang được hơn 18 nước sử dụng. Tên lửa này dài 1,52 m, đường kính 70 mm. Nó nặng 10,1 kg, trong khi khối lượng bao gồm cả hệ thống phóng vác vai là 15,2 kg. Tên lửa này rất hiệu quả trong việc bắn hạ trực thăng và máy bay di chuyển ở tầm thấp.
UAV Bayraktar TB2
Thổ Nhĩ Kỳ là bên cung cấp UAV này cho Ukraine. Mỗi chiếc TB2 có giá 5 triệu USD. Nó có thể bay liên tục 24h ở độ cao 7.300 m, mang theo lượng vũ khí nặng 150 kg. Đây được xem là niềm tự hào của ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ.
TB2 có thể thực hiện các cuộc tấn công trên không chống lại xe tăng, boongke kiên cố ở độ cao tối đa 8 km để tránh bị súng máy đối thủ nhắm mục tiêu. TB2 dài khoảng 6 m, tốc độ tối đa 128 km/h và tầm bay 150 km.
Đạn pháo 152 mm
Séc được cho là bên cung cấp cho Ukraine vũ khí này. Nó được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng thiết giáp và bộ binh bằng cách bắn đạn ở khoảng cách xa hơn so với vũ khí hạng nhẹ và vũ khí cỡ nhỏ. Chúng thường được xem là "pháo hạng nặng".