1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa Triều Tiên có thể châm ngòi xung đột Nga - Mỹ?

(Dân trí) - Trong trường hợp tên lửa phòng thủ của Mỹ rơi vào không phận Nga sau khi đánh chặn thất bại tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên, nguy cơ hiểu nhầm dẫn tới chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới hoàn toàn có thể xảy ra.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên sáng 29/11 (Ảnh: Reuters)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên sáng 29/11 (Ảnh: Reuters)

Trong trường hợp Triều Tiên phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Mỹ, Lầu Năm Góc có thể triển khai hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) để đánh chặn các tên lửa Bình Nhưỡng. Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, các tên lửa đánh chặn của Mỹ hoàn toàn có thể bắn chệch mục tiêu và khi các tên lửa này quay trở lại khí quyển Trái đất, chúng có thể rơi vào khu vực không phận của Nga. Nếu kịch bản này xảy ra thì đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng trừ khi các bên có những bước đi để giải quyết ngay từ bây giờ.

“Mọi người cần nhìn ra một điểm đáng lo ngại đó là, nếu các tên lửa đánh chặn được phóng từ khu vực Alaska (Mỹ) bắn trượt hoặc không thể đánh chặn các tên lửa ICBM đang bay đến từ phía Triều Tiên, chúng sẽ tiếp tục di chuyển và có thể quay trở lại khí quyển Trái Đất trong vùng không phận của Nga. Điều này sẽ tạo ra mối nguy hiểm rất lớn, dẫn đến leo thang căng thẳng không lường trước được”, Kingston Reif, giám đốc chính sách giải giáp vũ khí và giảm thiểu đe dọa thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nói với National Interest.

Theo Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, Mỹ nên mở một cuộc đối thoại với Nga về vấn đề này ngay lập tức. Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Okya Oliker cũng đồng tình với quan điểm này.

“Chúng ta cần tham vấn với Moscow để trao đổi về các kế hoạch và thảo luận cách thức để thông báo cho nhau. Đây không chỉ là vấn đề liên quan tới khoa học tên lửa nữa”, chuyên gia Oliker cho biết.

Hệ thống cảnh báo sớm của Nga

Hệ thống radar Voronezh của Nga có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo từ khoảng cách xa (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống radar Voronezh của Nga có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo từ khoảng cách xa (Ảnh: Sputnik)

Trong một bài viết gần đây, ông Lewis nhận định rằng tên lửa đánh chặn của Mỹ có thể vô tình châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu Nga hiểu nhầm rằng vũ khí này là tên lửa đạn đạo liên lục địa do Mỹ bắn về phía Nga.

“Chúng ta không thể chắc chắn rằng Nga sẽ nhận ra tên lửa được phóng đi từ Alaska là tên lửa đánh chặn (tên lửa Triều Tiên), chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (nhằm vào Nga). Nếu nhìn từ phía Nga, đường bay của các tên lửa này khá giống nhau, đặc biệt nếu hệ thống radar theo dõi phải chịu áp suất cực lớn”, ông Lewis viết trên Daily Beast.

“Trên giấy tờ, hệ thống cảnh báo sớm (tên lửa) của Nga vận hành như thế nào không quan trọng, sự thật là hệ thống này trên thực tế hoạt động không mấy ấn tượng”, ông Lewis cảnh báo.

Joshua H. Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin cho biết mối nguy hiểm nảy sinh từ việc hiểu nhầm giữa Nga và Mỹ “là có thực”.

“Việc các tên lửa (Mỹ) có bay vào không phận Nga hay không có lẽ không quan trọng bằng việc các tên lửa này có vượt quá tầm nhìn của các radar cảnh báo sớm của Nga hay không”, nhà nghiên cứu Pollack cho biết.

Vũ khí Triều Tiên tại lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Vũ khí Triều Tiên tại lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Tuy nhiên, Pavel Podvig, nhà phân tích độc lập điều hành dự án nghiên cứu Lực lượng hạt nhân Nga tại Geneva, Thụy Sĩ, không đồng tình với quan điểm của hai nhà nghiên cứu Lewis và Pollack. Ông Podvig nói rằng hệ thống cảnh báo sớm của Nga ngày nay đã tốt hơn rất nhiều so với hệ thống từ những năm 1990. Ngay cả khi tên lửa đánh chặn GMD được phóng từ Alaska có thể gây báo động đối với hệ thống cảnh báo của Nga, Moscow cũng đủ khả năng đánh giá tình hình trước khi quyết định có hành động đáp trả.

Về phía Nga, Moscow dừng như không quá lo lắng về khả năng tên lửa đánh chặn Mỹ rơi xuống lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Nga có thể vẫn muốn tham vấn với Mỹ vì các tên lửa đánh chặn Mỹ sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) của Nga.

“Khả năng tên lửa Mỹ rơi trúng khu vực đông dân tại vùng Viễn Đông của Nga là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, do còn liên quan tới vấn đề BMEWS nên tốt hơn hết là hai bên nên tổ chức các cuộc tham vấn và thiết lập cơ chế trao đổi thông tin”, Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Moscow, Nga cho biết.

Do vậy, Mỹ vẫn cần tham vấn với Nga về khả năng đánh chặn các tên lửa ICBM của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nga và xây dựng một thỏa thuận chung giữa hai nước về vấn đề này. Thậm chí, nếu kịch bản đánh chặn thực sự xảy ra, Mỹ vẫn phải trông chờ vào khả năng hoạt động chính xác của hệ thống cảnh báo sớm từ Nga cũng như sự kiềm chế của Moscow nhằm tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân ngoài ý muốn.

Thành Đạt

Theo National Interest