1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liệu Mỹ đủ khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên?

(Dân trí) - Việc Triều Tiên sáng nay phóng đi một tên lửa đạn đạo liên lục địa với những tiến bộ chưa từng có đã đặt ra cho lá chắn phòng thủ của Mỹ nhiều thách thức dù Washington đầu tư hàng tỷ USD vào các hệ thống này.

Một số tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Một số tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Lầu Năm Góc hôm nay 29/11 xác nhận sau hơn hai tháng “án binh bất động”, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới xuống vùng biển Nhật Bản. Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 11, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ ủng hộ việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ nhằm đối phó với các tên lửa Triều Tiên. Ông Trump tin rằng với công nghệ của Mỹ, Nhật Bản có thể “dễ dàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên ra khỏi bầu trời”.

Mặc dù Tổng thống Trump luôn tin tưởng vào năng lực của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, song mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên cũng buộc chính phủ Mỹ phải xem xét lại hệ thống phòng thủ và hối thúc Quốc hội tăng ngân sách cho hệ thống này.

Chương trình phòng thủ tên lửa Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Nhật-Hàn có thể phối hợp để kiềm tỏa Triều Tiên (Ảnh: Fox)
Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Nhật-Hàn có thể phối hợp để kiềm tỏa Triều Tiên (Ảnh: Fox)

Theo ông Thomas Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), chương trình phòng thủ tên lửa trị giá 40 tỷ USD của Mỹ gồm 4 hệ thống cơ bản, được thiết kế để bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ, các đồng minh của Mỹ và chính lãnh thổ Mỹ.

“Tất cả đều nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên”, ông Karako cho biết.

Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot do Mỹ cùng hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn nhất và được thiết kế để bảo vệ các nhóm binh sĩ nhỏ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD được Mỹ triển khai ở đảo Guam và Hàn Quốc. THAAD là hệ thống được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở giai đoạn rời bệ phóng và trước khi hồi quyển. Nhật Bản và Mỹ đã đặt hệ thống Aegis trên các tàu chiến và tầm bao phủ của hệ thống này rộng hơn so với THAAD.

Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất GMD là mạng lưới gồm các radar và cảm biến toàn cầu cùng các tên lửa đất đối không được thiết kế để đánh chặn và hủy diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương. Hiện hệ thống đánh chặn của GMD được Mỹ triển khai tại hai địa điểm, bao gồm 40 tên lửa ở căn cứ Greely, Alaska và 4 tên lửa ở căn cứ không quân Vandenberg, California. Chúng được thiết kế để bảo vệ 50 bang của Mỹ.

Hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ


Mỹ - Hàn tập trận tên lửa chung (Ảnh: Reuters)

Mỹ - Hàn tập trận tên lửa chung (Ảnh: Reuters)

Theo đánh giá của chuyên gia Karako, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang phát huy hiệu quả trên thực tế.

“Hệ thống này cho thấy nhiều tiềm năng… Patriot đang được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến tên lửa tại Yemen”, ông Karako cho biết.

Nhà thầu quốc phòng Raytheon của Mỹ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Ả rập Xê út và Các tiểu Vương quốc Ả rập vận hành tại vùng Vịnh đã đánh chặn được hơn 100 tên lửa đạn đạo kể từ năm 2015.

Ông Karako cho biết hệ thống THAAD đã đạt được thành công trong 15 vụ thử nghiệm, trong khi hệ thống GMD đạt được tỷ lệ thành công thấp hơn là 10/18 lần thử nghiệm. Tuy nhiên, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cũng đã phân tích các vụ thử nghiệm thất bại của GMD để tìm cách khắc phục vấn đề.

Trong khi đó, Philip Coyle, nhà nghiên cứu khoa học cấp cao tại Trung tâm Chống phổ biến và Kiểm soát vũ khí, không đánh giá cao hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở thời điểm hiện tại. Theo ông Philip, tỷ lệ thất bại của các vụ thử tên lửa Mỹ ở mức hơn 60% kể từ năm 2002 và căn cứ trên tỷ lệ đánh chặn thành công thấp trong các vụ thử nghiệm như hiện nay, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ được xem là “không hiệu quả”.

Ông Coyle cho rằng Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc đối phó với các “tên lửa mồi” của Triều Tiên. Đó là các bóng bay hay những thiết bị gây nhiễu radar do Bình Nhưỡng phóng đi và trong không gian, những vật thể này dễ bị nhầm lẫn với các quả tên lửa.

Tuy vậy, chuyên gia Karako vẫn lạc quan về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. “Không hệ thống phòng thủ nào là hoàn hảo. Nhưng nó cũng đã cho thấy năng lực rất quan trọng trong việc hỗ trợ các lực lượng phòng vệ tại quê nhà, từ đó giúp nâng cao năng lực phòng vệ và răn đe tổng thể của Mỹ”, ông Karako nhấn mạnh.

Sự tiến bộ của Triều Tiên

Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Lầu Năm Góc hôm nay xác nhận tên lửa do Triều Tiên phóng đi lúc hơn 3 giờ sáng nay đã đạt độ cao khoảng 4.500 km và bay xa khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản sau 53 phút rời bệ phóng. Giới chuyên gia cho biết đây là tên lửa có tầm bay cao nhất, tầm bắn xa nhất và di chuyển trong thời gian lâu nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.

Chuyên gia David Wright thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) tại Mỹ cho rằng nếu bay ở quỹ đạo chuẩn thay vì phóng ở góc độ cao, tên lửa do Triều Tiên phóng đi sáng nay sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km. Theo đó, tên lửa này hoàn toàn đủ khả năng vươn tới thủ đô Washington hoặc bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.

Trong thông báo chính thức phát đi hôm nay, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo mới có tên Hwasong-15, nâng cấp từ tên lửa Hwasong-14 trước đây. Bình Nhưỡng cho biết Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn với khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Nhận định về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết “tên lửa này bay cao hơn bất kỳ tên lửa nào do Triều Tiên từng phóng”. Ông chủ Lầu Năm Góc cảnh báo không chỉ đối với Mỹ mà tên lửa Triều Tiên thậm chí có khả năng đe dọa bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Thành Đạt

Tổng hợp