1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm "bất thường" trong vụ thử tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên

(Dân trí) - Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sáng nay của Triều Tiên được đánh giá có nhiều điểm chưa từng thấy trước đó như phóng giữa đêm, tên lửa bay "cao chưa từng có”, “lâu nhất từ trước đến nay”.

Sáng sớm nay 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ phía bắc Bình Nhưỡng. Truyền thông nhà nước Triều Tiên sau đó xác nhận đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa loại mới có tên gọi Hwasong-15.

Bình Nhưỡng cũng tuyên bố thêm rằng, vụ phóng cho thấy Triều Tiên đã hoàn tất lực lượng hạt nhân quốc gia và trở thành một cường quốc tên lửa.

Đây là vụ thử tên lửa thứ 15 và là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 3 của Triều Tiên kể từ đầu năm sau hai tháng im ắng. Vụ phóng được đặc biệt chú ý bởi những đặc điểm “chưa từng có” trong các vụ thử trước đây của Bình Nhưỡng.

Cao nhất từ trước đến nay


Tên lửa Triều Tiên phóng sáng 29/11 đạt độ cao nhất từ trước đến nay. (Đồ họa: AFP)

Tên lửa Triều Tiên phóng sáng 29/11 đạt độ cao nhất từ trước đến nay. (Đồ họa: AFP)

Các dữ liệu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, tên lửa đã bay xa 960km và đạt đến độ cao gần 4.500km, cao hơn bất cứ vụ phóng nào trước đây của Triều Tiên. Giới chức Nhật Bản cho biết, tên lửa này đã bay trong thời gian 51 phút, lâu nhất từ trước đến nay, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

David Wright, chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà khoa học (UCS) tại Mỹ, nhận định nếu phóng theo đường bay chuẩn, tên lửa này có thể bay xa tới 13.000km. “Một tên lửa như vậy đủ sức bắn đến Washington. DC và thực tế là tới bất cứ đâu của Mỹ”, chuyên gia này nhận xét.

Tuy nhiên, chuyên gia về tên lửa của tạp chí 38 North, Michael Elleman, cho rằng vụ phóng đánh dấu một bước tiến nữa của Triều Tiên song Triều Tiên vẫn cần các vụ thử nghiệm nữa mới có thể củng cố độ tin tưởng của tên lửa.

Phóng giữa đêm


Phóng thử tên lửa liên lục địa vào ban đêm và từ bệ phóng di động, Triều Tiên có thể muốn gửi đi thông điệp rằng đối phương khó trở tay kịp. (Ảnh: Reuters)

Phóng thử tên lửa liên lục địa vào ban đêm và từ bệ phóng di động, Triều Tiên có thể muốn gửi đi thông điệp rằng đối phương khó trở tay kịp. (Ảnh: Reuters)

Một chi tiết đáng chú ý nữa trong lần phóng thử tên lửa này của Triều Tiên là thời gian thử vào ban đêm và từ một bệ phóng di động.

Các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trước kia của Triều Tiên đều diễn ra vào ban ngày. Tuy nhiên, lần này, Triều Tiên phóng tên lửa lúc 3h đêm. Rodger Baker, chuyên gia phân tích của Stratfor, cho rằng đây có thể là một chiến thuật mới của Bình Nhưỡng nhằm tăng tính bảo mật của vụ phóng tên lửa đến phút chót.

Vài ngày trước, qua tín hiệu vô tuyến, giới tình báo Hàn Quốc và Nhật Bản nghi ngờ Triều Tiên sắp phóng tên lửa. Tuy nhiên, khi chưa có gì rõ ràng, đêm 28/11, rạng sáng 29/11, Triều Tiên bất ngờ di chuyển và phóng tên lửa sau 2 tháng im ắng.

Ngoài ra, việc sử dụng bệ phóng di động cho phép rút ngắn thời gian chuẩn bị sẽ khiến đối phương “không kịp trở tay” do đó khó tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Minh Phương

Tổng hợp