Tạp chí châm biếm của Pháp từng nhiều lần công kích đạo Hồi
(Dân trí) - Trước vụ thảm sát ngày 7/1, tạp chí Charlie Hebdo đã xuất bản một bức tranh biếm họa về phiến quân IS hồi tuần trước. Tờ báo này được cho là có chủ trương công kích đạo Hồi sau khi đăng tải nhiều thông tin mang tính khiêu khích cao độ đối với tôn giáo này.
Tranh cãi xung quanh tờ báo bắt đầu vào năm 2006 khi Charlie Hebdo tái bản bức biếm họa Nhà tiên tri Mohammed đầy tai tiếng của họa sĩ đan Mạch Kurt Westergaard.
Lúc mới được công bố, bức họa này đã làm bùng nổ những cuộc biểu tình kéo dài trải khắp Trung Đông cũng như một số thành phố phương Tây. Do vậy, sau khi cho tái bản bức ảnh này, chủ bút lúc đó đã phải ra hầu tòa vì vi phạm luật chống khủng bố, nhưng sau đó ông này đã được tha bổng.
Vào rạng sáng ngày 2/11/2011, tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo từng bị tấn công bằng bom xăng và bị đốt trụi. May mắn là lúc đó không có nhân viên nào tại tòa soạn. Vụ tấn công được cho là nhằm vào hệ thống máy tính của tờ báo.
Cảnh sát cơ động từng phải bố trí lực lượng canh phòng bên ngoài trụ sở tòa báo nhiều ngày sau vụ tấn công trên khi các biên tập viên của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo chọn phương án cứng rắn, đối đầu các vụ tấn công, in lại nhiều lần bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.
Vào năm 2012, tạp chí này lại xuất bản những bức biếm họa Nhà tiên tri Mohammed như một cử chỉ khiêu khích có chủ đích đối với hàng loạt những cuộc biểu tình bạo động đang diễn ra khắp Trung Đông.
Charlie Hebdo tiếp tục được các lính cơ động canh phòng cẩn mật bởi tờ báo lại tiếp tục xuất bản hình ảnh biếm họa miêu tả nhà tiên tri Mohammed khỏa thân như một đứa trẻ và một bức tranh nhà tiên tri được đẩy đi trên xe lăn.
Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, được xem như phiên bản Pháp của tờ Private Eye (một tờ báo châm biếm nổi tiếng của Anh), thường tỏ ra tự hào vì sự kết hợp những bài báo mỉa mai và phóng sự điều tra của mình.
Được biết, trụ sở hiện tại của Charlie Hebdo không có các biển tên tạp chí để tránh sự lặp lại những cuộc tấn công trong quá khứ.
Biên tập viên, họa sỹ Stephane Charbonnier, 1 trong số 12 nạn nhân đã bị bắn chết ngày 7/1, từng trả lời phỏng vấn tờ De Volkskrant vào tháng 1/2013 rằng ông đã được cảnh sát bảo vệ thường xuyên trong 4 tháng sau khi xuất bản một tập tranh biếm họa về Hồi giáo.
Họa sỹ Charbonnier cũng phủ nhận những lời chỉ trích rằng việc đăng tải những bức biếm họa này chỉ để thu hút sự chú ý đến tờ Charlie Hebdo và cho rằng mình đang bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, ông Charbonnier thừa nhận, dù tạp chí Charlie Hebdo cũng nhắc cả đến quyền phụ nữ, năng lượng hạt nhân và an ninh Pháp, nhưng vấn đề Hồi giáo luôn có sức hút mạnh nhất đối với công chúng.