Tấn công vào đất Nga, Ukraine vẫn khó lật ngược tình thế
(Dân trí) - Một số nước phương Tây gần đây đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, song giới quan sát cho rằng điều này khó có thể thay đổi cục diện xung đột.
Mỹ và hơn 10 đồng minh phương Tây, trong đó có Pháp, Anh, đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Các nước này về cơ bản cho Ukraine thực hiện các vụ tấn công xuyên biên giới với điều kiện chỉ nhắm đến mục tiêu quân sự mà Nga dùng để thực hiện các vụ tập kích Kharkov, đông bắc Ukraine.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây xác nhận, Ukraine đã sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
"Tổng thống Mỹ đã cho phép. Ukraine đã thực hiện điều đó trên chiến trường. Theo quan điểm của Tổng thống Joe Biden, đây là hoạt động bình thường".
Hôm 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng xác nhận, Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga. Theo ông, những vũ khí này chỉ có thể được sử dụng để tấn công các khu vực của Nga gần Kharkov. Tuy nhiên, Washington cũng không loại trừ khả năng mở rộng phạm vi tập kích cho Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công xuyên biên giới: "Đảm bảo hòa bình có nghĩa là chúng tôi ủng hộ Ukraine".
Trước đó, chính phủ Đức đã do dự rất lâu về vấn đề này vì lo ngại việc vũ khí Đức xuất hiện trên lãnh thổ Nga có thể khiến Berlin bị coi là một bên tham chiến.
Thế "tiến thoái lưỡng nan"
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot và hệ thống pháo mà phương Tây cấp cho Ukraine với tầm hoạt động khoảng 80km có khả năng tấn công các mục tiêu ở Nga. Năm 2023, Mỹ trang bị cho Ukraine hệ thống tên lửa ATACMS với tầm bắn 165km. Một biến thể của hệ thống này thậm chí cho phép nó bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa lên tới 300km.
Frank Sauer, chuyên gia Chính trị quốc tế tại Viện Metis thuộc Đại học Bundeswehr, Munich, cho biết: "Việc cho phép Kiev sử dụng những loại vũ khí này chứng tỏ Mỹ và Đức đã nhận thức được thực trạng xung đột giữa Nga và Ukraine".
Theo ông Sauer, trong một thời gian dài, các quốc gia đồng minh của Ukraine đã chứng kiến Moscow tiến hành chiến dịch ném bom hàng ngày vào các thành phố lớn của Ukraine, đặc biệt là Kharkov, từ không phận và các địa điểm gần biên giới.
"Giờ đây, Kiev có thể nhắm vào các sân bay, phá hủy các máy bay chiến đấu cũng như cơ sở hạ tầng như đường băng, qua đó giảm thiểu các cuộc tấn công của Nga. Ngoài ra, ATACMS cũng có thể tấn công các điểm tập kết của lực lượng mặt đất Nga", ông Sauer phân tích.
Chuyên gia này lưu ý thêm, nếu Nga buộc phải giảm sức ép tấn công lên khu vực Kharkov, Ukraine có thể tranh thủ bảo vệ các khu vực khác của mặt trận.
"Cho đến nay, chúng ta đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc bảo vệ tiền tuyến, hoặc dân thường trong nước", ông chỉ ra.
Cân nhắc điều chỉnh chiến lược
Andreas Heinemann-Gründer, Giáo sư Chính trị kiêm chuyên gia nghiên cứu Xung đột tại Trung tâm An ninh, Chiến lược và Hội nhập cấp cao, cho biết Mỹ và Đức đã nhận ra rằng Ukraine "phải được trang bị đầy đủ để đối đầu với Nga, nếu không họ sẽ thua".
Các đồng minh phương Tây cho rằng Kiev không còn nhiều thời gian. Thứ nhất, Nga đang đầu tư ồ ạt vào ngành công nghiệp vũ khí và máy móc phục vụ chiến đấu. Thứ hai, nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, Mỹ sẽ khó duy trì sức ủng hộ Ukraine. Thứ ba, Nghị viện châu Âu sắp có thêm thành viên vào tháng 6, điều này có thể tác động đến chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Ngoài ra, theo ông Heinemann-Gründer, nỗi lo ngại của phương Tây về khả năng leo thang hạt nhân của Nga rõ ràng đã giảm bớt. Ông cho biết: "Đối với tôi, có vẻ như phương Tây đã gửi đi những tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không tha thứ cho một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine, đồng thời sẽ có hành động mạnh mẽ hơn nhằm vào các mục tiêu của Nga".
Tuy nhiên, 2 chuyên gia, ông Sauer và ông Heinemann, đều cho rằng động thái của phương Tây đã quá muộn, không đủ để tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến.
"Các con đường tắt để có thể thay đổi tình hình trong chớp mắt hiện đều đã đóng lại", ông Sauer nhận xét.