1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ không loại trừ khả năng cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Hiện Mỹ mới chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu ở biên giới Nga, song không loại trừ nới lỏng hơn nữa tùy vào tình hình.

Mỹ không loại trừ khả năng cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - 1

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby (Ảnh: Reuters).

"Như các bạn đã biết, theo diễn biến của cuộc xung đột, các điều kiện chiến trường đã thay đổi. Tùy vào tình hình, chúng tôi cũng điều chỉnh mức độ ủng hộ đối với Ukraine. Tôi hy vọng là cách tiếp cận tổng thể sẽ không có gì thay đổi trong những tuần tới, tháng tới", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 3/6 cho biết.

Ông nhấn mạnh: "Chính sách của Washington liên quan đến việc cấm Ukraine sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) hoặc các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga không thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ xem mọi thứ đi đến đâu và Ukraine cần gì".

Tuy vậy, ông cho biết, Mỹ không loại trừ khả năng nới lỏng hơn nữa các hạn chế, cho phép Ukraine tập kích sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga. Ông khẳng định, Mỹ "sẽ không quay lưng" với Ukraine.

Tuần trước, Washington đã chính thức công bố quyết định cho phép Kiev sử dụng vũ khí do nước này viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Sự thay đổi chính sách mới nhất cho phép Kiev tấn công riêng các mục tiêu quân sự gây ra mối đe dọa trực tiếp cho vùng Kharkov, giáp với vùng Belgorod của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, sự nới lỏng này là "chưa đủ" và kêu gọi Mỹ cũng như các đồng minh tiếp tục nới lỏng hơn nữa.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, để tránh Thế chiến III, Washington yêu cầu Ukraine không được dùng vũ khí Mỹ viện trợ để nhắm vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Washington bắt đầu nới lỏng yêu cầu do sức ép từ các đồng minh và do tình thế bất lợi hiện nay của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Đến nay, ít nhất 14 quốc gia phương Tây đã "bật đèn xanh" cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cho biết NATO có quyền giúp Ukraine duy trì quyền tự vệ của mình và điều này không khiến NATO trở thành một bên tham gia cuộc xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, động thái này của phương Tây có thể kéo theo "những hậu quả nghiêm trọng". Chủ nhân Điện Kremlin nêu rõ: "Các nước NATO đang đùa với lửa và việc các nước nhỏ ở châu Âu kêu gọi tấn công trực tiếp vào Nga có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột toàn cầu sâu sắc hơn".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 3/6 cũng nói rằng, Mỹ có thể phải đối mặt với "hậu quả chết người" nếu phớt lờ cảnh báo của Moscow.

"Tôi muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo Mỹ về những tính toán sai lầm có thể gây ra hậu quả chết người. Họ đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng về những gì họ có thể phải gánh chịu", ông Ryabkov tuyên bố.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine