1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban sẽ khôi phục hình phạt ném đá, chặt tay tội phạm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Taliban tuyên bố sẽ tái áp dụng các hình phạt cứng rắn theo luật Hồi giáo với các hành vi phạm tội nặng, bao gồm ném đá, và chặt tay tội phạm.

Taliban sẽ khôi phục hình phạt ném đá, chặt tay tội phạm - 1

Một tay súng Taliban kiểm soát an ninh trên đường phố Kabul (Ảnh: Reuters).

New York Post đưa tin, Taliban thông báo đã thành lập trở lại Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống hành vi xấu - cơ quan vốn đã bị loại bỏ 20 năm trước sau khi nhóm vũ trang bị phương Tây lật đổ.

"Mục tiêu của việc này là để phục vụ cho đạo Hồi. Vì vậy, việc thành lập cơ quan này là bắt buộc. Chúng tôi sẽ trừng phạt theo quy định của đạo Hồi. Hồi giáo chỉ dẫn chúng tôi điều gì, chúng tôi sẽ làm theo điều đó", đại diện Taliban Mohammad Yousuf phát biểu hôm 13/9.

Theo ông Yousuf, các hình phạt sẽ nhằm vào "những tội danh nghiêm trọng" theo quy định của đạo Hồi, bao gồm ngoại tình, giết người và trộm cắp.

"Đạo Hồi có quy tắc cho các tội nghiêm trọng. Ví dụ, việc giết một ai đó có quy tắc khác nhau. Nếu hung thủ cố tình giết người, và biết rõ nạn nhân, người đó sẽ phải đền mạng. Nếu hành vi giết người là ngộ sát, sẽ có hình phạt khác như là nộp tiền phạt. Nếu một người trộm cắp, hình phạt sẽ là chặt tay. Nếu có hành vi ngoại tình, những người vi phạm sẽ bị ném đá", đại diện Taliban giải thích.

Taliban cho biết, cả đàn ông và phụ nữ sẽ đều bị áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn, dù 20 năm trước, chỉ phụ nữ mới bị áp hình phạt ném đá. Ông Yousuf nói rằng, để trừng phạt một người cần phải có 4 nhân chứng và những người này phải có lời khai khớp nhau để dẫn tới quyết định xử phạt.

Taliban sẽ khôi phục hình phạt ném đá, chặt tay tội phạm - 2

Khung cảnh bên trong Đại học Giáo dục Shaheed Rabbani ở Kabul cuối tuần qua sau khi Taliban lên nắm quyền (Ảnh: EPA).

Trong thời kỳ Taliban nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 tới 2001, nhóm này đã áp dụng các lệnh cấm đoán nghiêm ngặt với phụ nữ. Họ phải mặc trang phục kín từ đầu tới chân, không bao giờ được rời khỏi nhà mà không có đàn ông đi kèm và phải bỏ học từ năm lớp 6.

Ngoài ra, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống hành vi xấu khi đó còn quy định thời gian cầu nguyện cụ thể, buộc đàn ông phải nuôi râu dài, cấm âm nhạc, cấm hút thuốc và các loại hình giải trí khác, bao gồm cờ vua, khiêu vũ và thả diều. Các đội "cảnh sát đạo đức" sẽ được triển khai tới các con phố và những người vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc như bị đánh bằng roi, chặt tay, ném đá hoặc hành quyết công khai.

Tuy nhiên, ông Yousuf khẳng định, sự trở lại của Bộ Tuyên truyền đạo đức sau 20 năm sẽ rất khác, vì trong chế độ trước, không có nhiều học giả Hồi giáo giúp xác định các quy tắc. Giờ đây, mọi quy định sẽ được xem xét kỹ bởi giới học giả để tham mưu cho chính quyền trước khi đưa vào áp dụng.

"Trước đây, chúng tôi dùng vũ lực để áp dụng Hồi giáo và các quy tắc, nhưng bây giờ, nó sẽ khác đi. Chúng tôi sẽ chỉ dẫn mọi người để họ hiểu đâu là đúng, đâu là sai. Chúng tôi có thể dùng vũ lực, nhưng ban đầu chúng tôi sẽ thực hiện bằng trái tim rộng mở. Nhưng nếu người dân tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ phải dùng biện pháp mạnh", ông Yousuf nói.