1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Su-30SM Nga hạ Su-27 Ukraine: Trận không chiến chớp nhoáng

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Chỉ bằng 1 quả tên lửa, tiêm kích Su-30SM Nga đã hạ gục nhanh máy bay Su-27 của Không quân Ukraine trong trận không chiến chớp nhoáng.

Su-30SM Nga hạ Su-27 Ukraine: Trận không chiến chớp nhoáng - 1

Tiêm kích Su-30SM của Nga (Ảnh: Peakpx).

Tiêm kích Su-27 Ukraine bị hạ chớp nhoáng

Ngày 2/2, một máy bay chiến đấu Su-30SM2 Nga đã phóng tên lửa tầm xa R-37M, tiêu diệt tiêm kích Su-27 của không quân Ukraine (UAF) tại một khu vực chưa xác định ở cự ly lên tới 130km. Đáng chú ý là chiếc máy bay này trúng đạn khi đang chuẩn bị ném bom lượn dẫn đường JDAM-ER hoặc phóng tên lửa chống bức xạ AGM-88B HARM chuyên diệt radar, 2 loại vũ khí hàng không rất nguy hiểm do phương Tây viện trợ.

"Tiêm kích thuộc Không quân Vũ trụ Nga đã hạ một chiến đấu cơ Su-27 của không quân Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự hôm 3/2.

Phía Kiev không bình luận về sự kiện trên nhưng họ xác nhận Đại úy Ivan Bolotov, phi công Lữ đoàn 831 - đơn vị được trang bị máy bay Su-27 - đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. 

Phi đội của Bolotov, Lữ đoàn Không quân Chiến thuật 831 đóng quân tại căn cứ sân bay Mirgorod ở tỉnh Poltava nằm giữa Kiev và Kharkov, cách biên giới Nga hơn 100km, đã xác nhận vụ việc trong một tuyên bố chính thức đăng trên mạng xã hội.

Su-27 "không có cửa" so với Su-30SM2

Mặc dù đã gặp tổn thất không nhỏ, khách quan mà nói, Không quân Ukraine đã phòng tránh rất tốt để bảo toàn lực lượng. Khi thời cơ đến, họ vẫn giáng cho Nga những đòn sấm sét.

Su-27 đã được nâng cấp để tích hợp thêm vũ khí có điều khiển chính xác do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, nếu so với Su-30SM2 thì tiêm kích hiện đại nhất của UAF "không có cửa", bởi lẽ máy bay Nga vượt trội hơn về mọi mặt. Trong đó, radar, tên lửa và thời cơ là 3 yếu tố quyết định làm nên chiến thắng.

Thứ nhất, Su-30SM2 - được nâng cấp và tích hợp các công nghệ của tiêm kích Su-35 - có phạm vi phát hiện mục tiêu gần gấp đôi so với phiên bản tiền nhiệm Su-30SM, đối với cả mục tiêu trên không và mặt đất.

Yếu tố nổi bật mang lại sức mạnh cho Su-30SM chính là radar N035 Irbis có thể giúp dòng tiêm kích này có khả năng không chiến chẳng thua kém Su-35 để trở thành "thợ săn tàng hình" với cự ly phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) 0,01m2 là 90km.

Trong khi đó, với mục tiêu có RCS 3m2, Su-30SM2 có thể nhìn thấy từ khoảng cách tới 400km, gấp 4 lần so với 100km của radar Phazotron N001 Zhuk của Su-27.

Chưa hết, radar N035 Irbis của Su-30SM2 có thể theo dõi đồng thời 30 mục tiêu và dẫn đường cho 8 tên lửa không đối không cùng lúc, gấp nhiều lần so với Su-27.

Do vậy, khi không chiến 1-1, nếu không có sự hỗ trợ của các khí tài trinh sát khác (như radar mặt đất, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không AWACS), Su-27 sẽ được nhận "cái chết bất ngờ" vì không biết máy bay đối phương ở đâu, khi nhận ra tên lửa lao đến thì có thể đã muộn.

Su-30SM Nga hạ Su-27 Ukraine: Trận không chiến chớp nhoáng - 2

Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo (giữa và bên phải) cùng với tiêm kích Su-27 Ukraine trong cuộc diễn tập tại Mỹ. (Ảnh: Drive).

Thứ hai, tên lửa tầm xa R-37M (hay còn gọi là RVV-BD) - bắt đầu được trang bị cho Su-30SM2 từ giữa năm 2024 khi làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không trên bầu trời Ukraine - quá mạnh so với tất cả vũ khí không đối không hiện có của đối phương.

R-37M sử dụng đầu dò radar chủ động và bán chủ động cho phép phi công "bắn và quên" trong cự ly tới 300km. Tên lửa nặng 510kg, dài 4,06m, có đầu đạn nổ mảnh nặng 60kg. Nhờ động cơ nhiên liệu rắn, nó có thể đạt tốc độ tối đa Mach 6, tương đương khoảng 7.400km/h, đạt tầm bắn tới 300km. 

Thứ ba, mặc dù radar trên Su-30SM2 cực mạnh, có thể phát hiện mục tiêu từ rất xa nhưng "thời cơ" mới là yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng vì thời gian hoạt động trên không có hạn, các chiến đấu cơ Nga khó có thể tuần tra trên không 24/24h.

Bù lại, Moscow có mạng lưới radar mặt đất và khí tài trinh sát điện tử cực mạnh canh trực không ngừng nghỉ và có tầm trinh sát mục tiêu lên tới vài trăm, thậm chí hàng nghìn km, nên bất cứ khi nào chỉ cần máy bay đối phương cất cánh là họ đã có thể phát hiện và theo dõi ngay.

Nhờ các dữ liệu ban đầu này mà các phi công Su-30SM2 Nga đang trực cấp 1 tại sân bay có thể cất cánh lập tức và chỉ cần vài phút là đã khóa mục tiêu đối phương rồi khai hỏa, không để lỡ thời cơ.

Theo kênh Military Chronicles, Su-30SM2 có khả năng phát hiện Su-27 từ khoảng 370km và bắn hạ máy bay đối phương ở cự ly 130km. Đây không phải là giới hạn của tên lửa R-37M do có tầm bắn tới 280km đối với mục tiêu bay cao và 200-220km đối với mục tiêu bay thấp.

Sau khi phóng, tên lửa nhanh chóng tăng tốc đến tốc độ siêu vượt âm và được cập nhật tham số giữa đường bay để tiếp cận Su-27 Ukraine ở góc có lợi nhất nhằm tăng xác suất trúng đích. Ở pha cuối, đầu dò trên tên lửa tự động kích hoạt, khóa mục tiêu và lao vào tiêu diệt.

Trong đòn đánh chớp nhoáng, quả tên lửa R-37M nổ cận đích đã tạo ra một cái phễu khổng lồ với hàng nghìn mảnh thép chụp lấy mục tiêu, không cho phi công Ukraine có bất cứ cơ hội nào để nhảy dù khẩn cấp.

Máy bay vừa bị bắn hạ đã nâng tổng tổn thất Su-27 của Không quân Ukraine lên tới ít nhất 16 chiếc. Nên nhớ, trước xung đột, họ cũng chỉ có khoảng 30 chiến đấu cơ loại này.

Mỗi mất mát về máy bay và phi công là một đòn giáng vào khả năng chiến đấu của không quân Ukraine. Nhưng hơn thế, các máy bay tiêm kích Nga đã đặt ra mối đe dọa đáng kể với số F-16 ít ỏi mà Kiev vừa nhận được từ phương Tây.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine