SpaceX lý giải việc chặn kết nối Starlink trên UAV Ukraine
(Dân trí) - Công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk giải thích nguyên nhân chặn quân đội Ukraine sử dụng hệ thống internet vệ tinh Starlink để điều khiển UAV ở vùng xảy ra chiến sự với Nga.
Giám đốc vận hành SpaceX Gwynne Shotwell ngày 8/2 cho biết, công ty này đã thực hiện các động thái để ngăn chặn quân đội Ukraine sử dụng hệ thống internet vệ tinh Starlink để điều khiển máy bay không người lái (UAV) tại các khu vực mà Kiev đang giao tranh với Nga.
Theo bà Shotwell, dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã giúp quân đội Ukraine đảm bảo kết nối trên chiến trường để đối phó với quân đội Nga. SpaceX không muốn "vũ khí hóa" dịch vụ này, nhưng Ukraine đã tận dụng Starlink "theo cách không cố ý và không nằm trong bất cứ thỏa thuận nào".
Reuters cho biết, Ukraine không chỉ sử dụng Starlink để liên lạc mà còn để điều khiển các UAV. Các UAV này có nhiệm vụ phát hiện vị trí của quân đội Nga, tập kích theo kiểu cảm tử, thả bom cỡ nhỏ.
"Có những việc mà chúng tôi có thể làm để hạn chế việc họ thực thi điều đó. Có những điều chúng tôi có thể làm, đã và đang làm", bà nói.
Bà Shotwell cho biết, việc sử dụng Starlink với máy bay không người lái đã vượt ra ngoài phạm vi thỏa thuận mà SpaceX có với chính phủ Ukraine. Bà nói rằng, hợp đồng này nhằm mục đích nhân đạo như cung cấp internet băng thông rộng cho các bệnh viện, ngân hàng và gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga.
"Chúng tôi biết quân đội Ukraine đang sử dụng chúng để liên lạc, và điều đó không sao. Nhưng ý định của chúng tôi là không bao giờ để họ sử dụng Starlink cho mục đích tấn công", bà cho biết.
Tính tới cuối năm ngoái, Ukraine đã nhận khoảng 22.000 ăng-ten Starlink kể từ đầu chiến sự. Tháng 12/2022, Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, nói với Bloomberg rằng Kiev đã đạt được thỏa thuận với SpaceX của tỷ phú Elon Musk để nhận thêm hàng nghìn ăng-ten Starlink.
Theo ông Fedorov, hơn 10.000 ăng-ten sẽ được chuyển cho Ukraine trong vài tháng tới.
Starlink đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, khi quân đội Nga phá hủy hệ thống liên lạc của đối thủ.
Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh. Trong khi đó, dân thường Ukraine dùng Starlink để giữ liên lạc với thân nhân ở trong và ngoài nước.
Sự đóng góp của ông Musk là quan trọng vì trong tác chiến hiện đại, với các đối thủ mạnh hơn, việc có một mạng lưới vệ tinh thông tin liên lạc mạnh mẽ được xem là "vũ khí" chiến lược.
Trong khi đó, Nga tin rằng Starlink là một mục tiêu hợp pháp, lập luận rằng Mỹ và các đồng minh của họ đã và đang sử dụng "các yếu tố của cơ sở hạ tầng không gian dân sự, bao gồm cả thương mại, cho mục đích quân sự".
Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Musk và Ukraine đã xảy ra căng thẳng hồi tháng 10/2022, sau khi tỷ phú Mỹ đề xuất rằng, để chấm dứt xung đột, Ukraine nên chấp nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đồng ý trung lập. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Kiev.