1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sóng gió cuộc đời quý bà quyền lực nhất Myanmar

An Bình

(Dân trí) - Vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi đã khiến bà một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của người dân nước này nói chung và thế giới nói riêng.

Sóng gió cuộc đời quý bà quyền lực nhất Myanmar - 1

Hiện chưa rõ sự nghiệp chính trị của bà Suu Kyi, hiện 75 tuổi, sẽ ra sao sau cuộc đảo chính (Ảnh: Reuters)

Cuộc đời nhiều sóng gió

Vào sáng ngày 1/2, một cuộc chính biến đã nổ ra tại Myanmar sau khi quân đội tuyên bố thay thế chính quyền dân sự nắm quyền điều hành đất nước, đồng thời bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà trong các cuộc đột kích lúc tờ mờ sáng.

Động thái trên diễn ra sau khi các tướng lĩnh quân đội phàn nàn về tình trạng "gian lận quy mô lớn" trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó đảng của bà Suu Kyi chiếm đa số ghế tại quốc hội.

Vụ đảo chính và bắt giữ được ví như một "cơn giông tố" khác mà bà phải đối mặt trong cuộc đời tiếng tăm nhưng cũng đầy gió của bà.

BBC nhận định, bà Suu Kyi từng được xem là nhân vật đi đầu trong cuộc đấu tranh giành dân chủ cho Myanmar - một nhà hoạt động đã quên đi tự do của chính mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội từng lãnh đạo quốc gia này trong nhiều thập niên.

Được truyền cảm hứng từ các cuộc đấu tranh phi bạo lực của nhà lãnh đạo phong trào quyền dân sự Mỹ Martin Luther King và lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi, bà Suu Kyi đã tổ chức các cuộc tuần hành và đi khắp Myanmar, kêu gọi cải cách dân chủ và các cuộc bầu cử công bằng.

Bà Suu Kyi là con gái của người anh hùng góp phần mang lại độc lập cho Myanmar, Tướng Aung San. Ông bị ám sát khi bà mới 2 tuổi, ngay trước khi Myanmar giành độc lập khỏi sự cai trị của Anh vào năm 1948.

Năm 1960, Suu Kyi theo mẹ tới Ấn Độ, người làm đại sứ ở thủ đô New Delhi. Bốn năm sau, bà đi du học tại Đại học Oxford (Anh), nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế. Bà gặp người chồng tương lai tại đây - học giả Michael Aris.

Sau thời gian sinh sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà định cư tại Anh để nuôi dạy 2 con, nhưng Myanmar chưa từng xa cách trong tâm trí của bà. Khi bà trở về Yangon vào năm 1988 để chăm sóc người mẹ bị ốm nặng, Myanmar khi đó đang ở giữa một cuộc biến động chính trị lớn. Bà chính thức tham gia chính trường Myanmar kể từ đó.

Bà Suu Kyi nhiều lần bị giam giữ rồi được thả trong suốt gần 15 năm, từ 1989 đến 2010. Cuộc đấu tranh cá nhân kéo dài của bà nhằm kêu gọi nền dân chủ cho Myanmar, trước đây vẫn do quân đội kiểm soát, đã đưa bà trở thành biểu tượng trên thế giới.

Vào năm 1991, bà Suu Kyi đã được xướng tên là chủ nhân giải Nobel Hòa bình dù đang bị quản thúc tại gia, và từng được gọi là "tấm gương nổi bật cho sức mạnh của những người dân thường".

Vào năm 2015, bà Suu Kyi đã dẫn dắt Liên đoàn Dân chủ Quốc gia giành chiến thắng trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên tại Myanmar trong 25 năm. Dù giành chiến thắng áp đảo nhưng hiến pháp Myanmar cấm bà trở thành trở thành tổng thống vì bà có con là các công dân nước ngoài.

Trước khi bị bắt giữ, bà Suu Kyi, 75 tuổi, về mặt chính thức bà giữ chức Cố vấn nhà nước nhưng được coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar. Tổng thống Win Myint là một đồng minh thân cận của bà.

Cuộc khủng hoảng Rohingya

Nhưng kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước, sự lãnh đạo của bà đã bị hoen ố bởi sự đối xử của Myanmar với cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Vào năm 2017, hàng trăm nghìn người Rohingya đã phải rời bỏ Myanmar chạy sang quốc gia láng giềng Bangladesh do sự trấn áp của quân đội khởi nguồn từ các vụ tấn công chết người nhằm vào đồn cảnh sát ở bang Rakhine.

Myanmar giờ đây đối mặt với một đơn kiện cáo buộc nước này phạm tội diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi Tòa Hình sự Quốc tế đang điều tra quốc gia Đông Nam Á về các tội danh chống lại loài người.

Những người từng ủng hộ trên thế giới đã cáo buộc bà Suu Kyi không hành động gì để ngăn chặn các vụ hãm hiếp, sát hại và có thể là diệt chủng đối với người Rohingya khi từ chối lên án quân đội hoặc thừa nhận sự tồn tại của các hành vi bạo lực như vậy.

CNN dẫn thông tin từ Liên Hợp Quốc ước tính, ít nhất 10.000 người đã bị sát hại trong cuộc trấn áp kể từ năm 2016. Khoảng 720.000 người đã phải chạy sang Bangladesh, nơi họ sống tập trung trong trại tị nạn lớn nhất thế giới, đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng về dinh dưỡng, lũ lụt và gần đây là đại dịch Covid-19.

Một số người ban đầu cho rằng bà là một chính trị gia thực dụng, cố gắng đánh đạo một đất nước đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Tuy nhiên, việc cá nhân bà lên tiếng bảo vệ các hành động của quân đội trong một phiên điều trần của ICJ ở La Hay (Hà Lan) được xem là một bước ngoặt xấu đối với danh tiếng của bà trên trường quốc tế.

Trong thời gian 5 năm qua, bà Suu Kyi và chính phủ NLD của bà cũng đối mặt với nhiều chỉ trích về việc xử tử các nhà báo và nhà hoạt động bằng điều luật thời thực dân.

Mặc dù có tiến triển trong một số lĩnh vực, quân đội vẫn tiếp tục chiếm 1/4 số ghế tại quốc hội và kiểm soát các bộ chủ chốt, trong đó có quốc phòng, các vấn đề nội vụ và biên giới.

Vào tháng 8/2018, bà Suu Kyi đã miêu tả các tướng lĩnh trong nội các là "khá dễ chịu". Các nhà phân tích cho rằng sự chuyển đổi của Myanmar sang dân chủ dường như đã bị đình trệ.

Tương lai nào phía trước?

Cuộc đảo chính ngày 1/2 diễn ra trong bối cảnh Myanmar là một trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch Covid-19, làm gia tăng thêm áp lực lên hệ thống y tế vốn khó khăn, trong khi các biện pháp phong tỏa tác động mạnh tới cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, ở trong nước, bà Suu Kyi vẫn được tín nhiệm. Một cuộc khảo sát vào năm 2020 cho thấy 79% số người được hỏi tin tưởng vào bà, tăng từ con số 70% một năm trước đó.

Sau vụ đảo chính, quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp 1 năm và đưa Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tạm thời điều hành đất nước. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với bà Suu Kyi tiếp theo.

Bà Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng trong hơn 24 giờ qua, nhưng một thông điệp được đăng tải trên Facebook từ tài khoản Kyi Toe, phát ngôn viên chính thức của liên minh NLD, cho thấy bà đang bị quản thúc tại nơi ở chính thức. "Bà ấy vẫn ổn, đi lại trong khu nhà thường xuyên". Hiện không thể xác thực thông điệp này.

Nhà báo, nhà sử học Thant Myint-U viết trên mạng xã hội ngày 1/2 rằng: "Cánh cửa vừa mở sang một tương lai rất khác. Tôi có cảm giác nặng trĩu rằng không ai có thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và hãy nhớ rằng Myanmar là đất nước sở hữu nhiều vũ khí, nhưng chia rẽ sâu sắc về sắc tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người không thể kiếm ăn".

Reuters cho biết, đảng NLD của bà Suu Kyi ngày 2/2 đã yêu cầu trả tự do cho bà ngay tức thì và những quan chức khác đang bị bắt giữ, đồng thời kêu gọi quân đội công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020.

Trong khi đó, các nhà quan sát quốc tế cho rằng, mặc dù danh tiếng quốc tế của bà Suu Kyi đã bị tổn hại vì bảo vệ các hành động của Myanmar đối với người thiểu số Rohingya, bà vẫn được nhiều người tại Myanmar ủng hộ như là một biểu tượng của dân chủ.

Guardian dẫn lời ông David Mathieson, một nhà phân tích độc lập về Myanmar, cho rằng có khả năng mọi người sẽ nghe theo lời kêu gọi biểu tình, và rằng quân đội có thể đã đánh giá thấp khả năng phản ứng mạnh mẽ của công chúng.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm