1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Soái hạm Moskva chìm ảnh hưởng ra sao tới chiến dịch quân sự của Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng dù soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bị chìm, nhưng nó không có tác động quá lớn tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Soái hạm Moskva chìm ảnh hưởng ra sao tới chiến dịch quân sự của Nga? - 1

Tàu tuần dương tên lửa Moskva chụp tại Sevastopol năm 2013 (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, soái hạm Moskva đã chìm ngày 14/4 vì một vụ hỏa hoạn. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố chiến hạm mạnh nhất Hạm đội Biển Đen Nga đã bị trúng tên lửa của Kiev dẫn tới hỏa hoạn.

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng con tàu bị hư hỏng nghiêm trọng vì có một đám cháy do "một vụ nổ đạn dược" gây ra và con tàu bị chìm trong thời tiết bão trong khi nó đang được lai dắt về cảng.

Các chuyên gia không xem việc tàu Moskva bị chìm có tác động lớn tới chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang thực hiện ở Ukraine.

"Con tàu đã thật sự quá cũ. Thực chất Nga đã có kế hoạch loại biên nó trong vòng 5 năm tới. Nó có nhiều giá trị về biểu tượng hơn là giá trị tác chiến và về tổng thể, không ảnh hưởng gì nhiều tới chiến dịch quân sự. Nó sẽ không tác động tới diễn biến cuộc chiến", nhà phân tích quân sự Alexander Khramchikhin nói với Reuters.

Các chuyên gia cho biết Nga vẫn có đủ nguồn lực hải quân để duy trì tình trạng phong tỏa các cảng của Ukraine, cũng như phóng vũ khí vào các mục tiêu bên trong Ukraine bằng các hệ thống tên lửa khác.

Mặc dù vậy, Reuters cho biết, việc soái hạm bị chìm được xem là bước lùi của Moscow trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nếu thực sự con tàu bị chìm bởi tên lửa Ukraine, nó sẽ trở thành một trong những vụ "tấn công hải quân quy mô tầm cỡ nhất trong thế kỷ này" khi một tàu tuần dương đã chìm xuống. 

Nếu Moskva bị hỏng do một vụ nổ trên boong, nó sẽ là soái hạm thứ 2 của Hạm đội Biển Đen bị loại khỏi vòng chiến đấu với lý do tương tự. Năm 1916, tàu Imperatritsa Maria bị chìm trong một vụ nổ liên quan tới đạn dược.

Soái hạm Moskva được trang bị nhiều tên lửa chống hạm và đất đối không. Nó được thiết kế từ những năm cuối 1970 vào thời Liên Xô nhằm đối phó với các tàu sân bay của Mỹ. Moskva cũng được triển khai để thực hiện chức năng phòng không cho các tàu Liên Xô hoạt động ở các đại dương xa xôi. Vào thời điểm đó, nó được đặt biệt danh là "sát thủ tàu sân bay".

Con tàu này từng tham gia vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho cuộc gặp của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Mỹ George Bush ở Malta vào tháng 12/1989.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tổ chức cuộc gặp với các lãnh đạo thế giới trên soái hạm này.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm