Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng mạnh chưa từng có
(Dân trí) - Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở hầu khắp các nước trên thế giới và thậm chí nghiêm trọng hơn đợt bùng phát trước kia.
Số người mắc Covid-19 tăng mạnh chưa từng có
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ riêng trong ngày 31/7, thế giới ghi nhận thêm 292.527 ca mắc mới Covid-19, tăng mạnh chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái. Trong đó, Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tiếp tục là các nước có số người mắc Covid-19 tăng mạnh nhất.
Trong ngày hôm qua, thế giới cũng có thêm hơn 6.800 ca tử vong vì đại dịch. Trong tháng 7, trung bình mỗi ngày thế giới có 5.200 người chết vì Covid-19, tăng so với 4.600 ca/ngày hồi tháng 6.
Số liệu thống kê của Reuters cho thấy, trong tuần qua, gần 40 quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày tăng kỷ lục, con số này gấp đôi so với tuần trước đó. Tính đến hết ngày 31/7, thế giới ghi nhận hơn 17,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 680.000 người đã tử vong.
Thế giới gấp rút đối phó
Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh trở lại, chính quyền các quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định áp dụng trở lại hoặc siết các biện pháp phong tỏa.
Tại châu Á, Trung Quốc ghi nhận 127 ca mắc mới trong ngày hôm qua, cao nhất kể từ ngày 5/3 và đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp tăng trên 100 ca/ngày, chủ yếu tại Liêu Ninh và Tân Cương. Trung Quốc đã lập tức triển khai xét nghiệm quy mô lớn cho 6 triệu dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại Tân Cương.
Tại Hong Kong, Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam ngày 31/7 đã sử dụng quyền khẩn cấp để hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp dự kiến diễn ra vào ngày 6/9 tới vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Ngày 31/7, đặc khu Hong Kong ghi nhận 121 ca mắc mới Covid-19, đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp số ca mắc mới ở mức 3 con số. Hiện Hong Kong có tổng cộng 3.272 ca mắc bệnh, trong đó có 27 ca tử vong.
Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua thông báo hoãn kế hoạch nới lỏng phong tỏa giai đoạn tiếp theo trong ít nhất 2 tuần. Ông nói, chính phủ Anh không thể mạo hiểm trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo của chính quyền và giới chuyên gia y tế, hàng chục nghìn người ở Anh vẫn đổ xô đến các bãi biển tránh nóng.
Chính phủ Pháp, Tây Ban Nha cũng ban bố các biện pháp nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cấm tụ tập đông người.
Tại Mỹ, trong tháng 7 vừa qua, số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi tại ít nhất 18 bang, trong khi gần 25.000 người tử vong vì Covid-19 trong tháng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chi mạnh ngân sách cho nghiên cứu và phát triển một số loại vắc xin tiềm năng. Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci tỏ ra "lạc quan thận trọng" về triển vọng Mỹ sẽ có vắc xin vào cuối năm nay.
“Cuộc khủng hoảng thế kỷ”
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cảnh báo: "Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế 100 năm có 1, tác động của nó sẽ còn dai dẳng nhiều thập niên".
Ông cho biết: "Các kết quả nghiên cứu ban đầu về kháng thể cho thấy hầu hết người dân trên thế giới vẫn dễ nhiễm virus này, thậm chí ở cả những nơi đại dịch đã bùng phát nghiêm trọng. Nhiều nước nghĩ rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua nhưng thực tế hiện giờ họ lại tiếp tục vật lộn với các đợt bùng phát mới. Một số quốc gia ban đầu có vẻ ít bị ảnh hưởng thì giờ đây cũng chứng kiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh".
Vắc xin được cho là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn đại dịch này, đó là lý do các nước đang chạy đua nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19. WHO tuần trước cho biết, hiện hơn 150 công ty dược phẩm và viện công nghệ sinh học đang phát triển các loại vắc xin ngừa Covid-19, loại vắc xin đầu tiên có thể được đưa ra thị trường vào đầu năm 2021.