1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, bán đảo Triều Tiên “nóng” hơn lò lửa!

Bốn ngày sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, trong cuộc họp ngày 7/9 tại thủ đô Seoul, ngoại trưởng các nước thành viên nhóm MIKTA - gồm Hàn Quốc, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia - đã ra tuyên bố chung kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ). Bán đảo Triều Tiên những ngày này còn “nóng” hơn lò lửa…


Lãnh đạo CHND Triều Tiên bên thiết bị được cho là bom nhiệt hạch của nước này

Lãnh đạo CHND Triều Tiên bên thiết bị được cho là bom nhiệt hạch của nước này

Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng 5 nước thành viên MIKTA đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, nhấn mạnh vụ việc này cùng với các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không chỉ vi phạm các nghĩa vụ của Bình Nhưỡng theo các nghị quyết của HĐBA LHQ, mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nền hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cũng như với cộng đồng quốc tế.

Lợi ích cho các bên

Tuyên bố cũng kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ quốc tế của mình, bao gồm việc thực thi các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Theo tuyên bố, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là việc đạt được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đều mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon nhận định hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về việc đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Seoul đang nỗ lực thúc đẩy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Bình Nhưỡng. Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại quốc phòng Seoul (SDD) do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức, Thủ tướng Lee Nak-yon cảnh báo thời gian còn lại không còn nhiều trước khi Triều Tiên hoàn thiện vũ khí hạt nhân và Hàn Quốc đã hạ quyết tâm ngăn chặn tham vọng này. Mặc dù nhận định đối thoại luôn là một giải pháp tối ưu, song ông tin rằng hiện là thời điểm để gia tăng các biện pháp trừng phạt ở mức tối đa đối với Triều Tiên trong khi vẫn bảo lưu các lựa chọn quân sự.

Cũng theo Thủ tướng Lee Nak-yon, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất HĐBA LHQ tổ chức một cuộc họp khẩn để thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên, và Tổng thống nước này Moon Jae-in cũng đang kêu gọi các nước láng giềng ủng hộ quan điểm trên, bao gồm việc cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và ngoại tệ cũng như cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Theo ông, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh Đông Bắc Á mà còn với an ninh thế giới, do đó cộng đồng quốc tế cần nỗ lực phối hợp hành động trong việc giải quyết hồ sơ Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Bình Nhưỡng, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định khả năng bùng phát các cuộc xung đột quân sự trong khu vực này đã tăng lên song vẫn ở mức thấp. Hãng này dự báo trong trường hợp xảy ra một cuộc đụng độ quân sự chớp nhoáng và có thể kiểm soát, chỉ số tín nhiệm đối với nền kinh tế Hàn Quốc, với các “bộ đệm” thanh khoản tốt, có thể không bị ảnh hưởng nhiều dù diễn biến này sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính, cũng như có khả năng dẫn đến tình trạng chảy vốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xảy ra một cuộc xung đột kéo dài, Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế và tài chính nặng nề hơn, và các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn. Moody’s nhận định nếu viễn cảnh này xảy ra, xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Đông Á này có thể bị hạ xuống một vài bậc.

Hàn - Nhật cam kết cùng ứng phó

Ngày 7/9, lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác song phương nhằm đối phó với những mối đe dọa của Bình Nhưỡng đối với an ninh khu vực.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã có cuộc gặp thượng đỉnh song phương bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 (EEF) được tổ chức tại thành phố Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông của Nga. Tại đây, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng mối quan ngại gia tăng của người dân Hàn Quốc và Nhật Bản trước những hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên khiến sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trở nên vô cùng cần thiết. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đồng thời cam kết thúc đẩy sự hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Abe đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước để ứng phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên và nhất trí cần phải mở rộng hơn nữa mối quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chi tiết và đúng thời điểm về nhiều thách thức mà hai nước đang phải đối mặt. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết tăng cường củng cố mối quan hệ trên, đồng thời bày tỏ mong muốn “thiết lập các mối quan hệ mới và hướng tới tương lai trong nhiều lĩnh vực”.

Các cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày 7/9 đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn để chào mừng vụ thử hạt nhân mới nhất mà Bình Nhưỡng tuyên bố là một quả bom nhiệt hạch (bom H) có thể lắp vào tên lửa tầm xa. Theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử hạt nhân hôm 3/9 được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nhật Bản đã nâng ước tính về sức công phá trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lên mức 160 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Trước đó, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, Mỹ ngày 6/9 đã đề nghị LHQ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Bình Nhưỡng và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, cấm hoàn toàn việc tuyển dụng và thanh toán cho lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Dự thảo còn cấm việc xuất khẩu sang Triều Tiên các loại sản phẩm xăng dầu đã tinh chế, hóa đặc và khí đốt tự nhiên, đồng thời còn đề xuất đóng băng các tài sản của hãng hàng không Air Koryo do quân đội Triều Tiên kiểm soát. Hãng hàng không này có đường bay tới Bắc Kinh và một số thành phố của Trung Quốc cũng như Vladivostok của Nga.

Giới quan sát nhận định nếu được thông qua, nghị quyết mới sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên, đặc biệt là ngành dệt may, lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ hai sau khoáng sản. Hiện chưa rõ liệu Nga và Trung Quốc, hai trong số 5 nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an LHQ, có ủng hộ việc thông qua dự thảo nghị quyết trên hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 6/9 tuyên bố nếu LHQ không áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên liên quan đến các vụ thử hạt nhân của nước này, ông sẵn sàng trình một sắc lệnh hành pháp trình lên Tổng thống Donald Trump để được thông qua nhằm áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào tiến hành giao thương với Bình Nhưỡng.

Tương tự như Chiến tranh Thế giới thứ nhất?

Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 5/9 cho rằng tình hình hiện nay xung quanh việc Triều Tiên gia tăng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, tương đương với những gì khiến Chiến tranh Thế giới thứ 1 nổ ra.

TTK LHQ nhấn mạnh các cuộc chiến tranh thường không bắt đầu bằng “một quyết định chóng vánh” thay vào đó Chiến tranh Thế giới thứ nhất diễn ra “từng bước” với việc căng thẳng dần leo thang. Ông hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành cuộc họp khẩn cấp ngày 4/9 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước thành viên trong HĐBA đoàn kết nhằm đối phó với khủng hoảng, cũng như hối thúc các nước hợp tác tìm ra một giải pháp chính trị. Bên cạnh đó, TTK LHQ cũng khẳng định sẵn sàng “hỗ trợ mọi nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình đối với tình hình báo động hiện nay” cũng như việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, Nhật Bản đã tổ chức diễn tập trên đảo Oki ở biển Nhật Bản nhằm đối phó việc Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa qua lãnh thổ miền Tây nước này. Khoảng 2.000 người trên đảo Oki đã tham gia cuộc diễn tập tại tòa thị chính và các trường học do chính quyền tỉnh Shimane và thị trấn Okinoshima tổ chức. Tại cuộc diễn tập, một thông điệp thông báo Triều Tiên phóng tên lửa đã được gửi tới khoảng 14.000 người thông qua hệ thống cảnh báo người dân. Ngay sau thông báo là các biện pháp được triển khai như sơ tán học sinh...

Trong khi đó, lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn, với tình huống bảo vệ đảo tiền tiêu gần vùng biển biên giới với Triều Tiên ở phía Tây nước này.

Thông báo ngày 7/9 của Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận kéo dài từ ngày 5/9 đến 7/9, được tiến hành cả ngày lẫn đêm tại đảo Baengnyeong nằm ở phía Nam đường Giới hạn phía Bắc (NLL) trên Hoàng Hải. Hoạt động này có sự tham gia của “tất cả binh sĩ và khí tài chiến đấu” thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 6, trong đó có cả máy bay trực thăng tấn công AH-1S Cobra, phương tiện tấn công đổ bộ và xe tăng M48A3K. Cuộc tập trận tập trung vào việc kiểm tra khả năng phòng thủ các đảo ở khu vực phía Tây Bắc và sẵn sàng chiến đấu trong những tình huống cụ thể khi cần thiết. Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận tương tự bảo vệ đảo Yeonpyeong - gần NLL.

Trong tháng trước, các lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tấn công giả định vào các đảo biên giới của Hàn Quốc. Phía Seoul coi đây là một sự kiện cho thấy khả năng Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích trực tiếp.

Theo Huyền Thanh - Lưu Phong

Pháp luật Việt Nam