1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Rút củi đáy nồi" cuộc khủng hoảng Triều Tiên

Hàn Quốc đã liên tiếp có những động thái được xem là “rút củi đáy nồi” nhằm làm giảm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi nhiều lần lên tiếng đề nghị Triều Tiên ngồi lại đối thoại.


Hàn Quốc đề nghị đàm phán quân sự liên Triều để làm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên

Hàn Quốc đề nghị đàm phán quân sự liên Triều để làm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21-7 một lần nữa hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Seoul về việc tiến hành đàm phán quân sự liên Triều nhằm giảm tình trạng căng thẳng dọc tuyến biên giới hai miền. Trước đó, ngày 17-7, Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán quân sự liên Triều vào ngày 21-7, cũng như đàm phán hội Chữ thập Đỏ hai bên vào ngày 1-8 để nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh.

Những động thái giảm căng thẳng trên được xem là những nỗ lực của chính quyền tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm cải thiện quan hệ liên Triều vốn đã trở nên nóng bỏng bởi sự leo thang của các bên liên quan. Trong đó, bất chấp việc phía Triều Tiên đã liên tục phóng thử hàng chục tên lửa kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5 đến nay, tân Tổng thống Hàn Quốc vẫn luôn nhấn mạnh tới nỗ lực hòa giải để thông qua con đường đối thoại, giải quyết căng thẳng và đối đầu.

Chính sách hòa dịu với Triều Tiên đã được Tổng thống Moon Jae-in khẳng định trong “Sáng kiến hòa bình bán đảo Triều Tiên” được công bố ngày 6-7 vừa qua tại Berlin, Đức. Chẳng phải vô tình mà ông Moon Jae-in chọn Berlin để công bố sáng kiến bởi chính tại nơi bức tường chia cắt nước Đức hơn nửa thế kỷ được phá bỏ, cố Tổng thống Kim Dae-jung đã đưa ra Tuyên bố Berlin 2000, tạo tiền đề cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên.

Từ nơi biểu tượng cho sự hòa giải và thống nhất, Tổng thống Moon Jae-in không chỉ ngỏ ý gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà còn đề xuất hàng loạt biện pháp giảm căng thẳng giữa hai miền. Trong đó có đề nghị nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Tết Trung thu năm nay và đặc biệt là đề nghị hai miền đồng loạt dừng các hành vi thù địch, bao gồm cả việc dừng phát thanh tuyên truyền qua loa tại ranh giới quân sự liên Triều.

Tiếp nối chủ trương hòa dịu của tân Tổng thống Moon Jae-in, ngày 17-7, Hàn Quốc tiếp tục đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán quân sự liên Triều vào ngày 21-7. Seoul cho rằng, vấn đế cấp bách hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là giảm căng thẳng quân sự và khôi phục kênh thông tin liên lạc quân sự vì ổn định và hòa bình trên bán đảo này.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên cho tới nay vẫn tỏ ra hoài nghi và chưa có những động thái cụ thể nhằm hưởng ứng “bàn tay đối thoại” mà chính quyền tân Tổng thống Moon Jae-in đưa ra thời gian qua. Trong một tuyên bố được xem như phản ứng đối với đề xuất của Hàn Quốc, Triều Tiên cho rằng việc Hàn Quốc mong muốn cải thiện mối quan hệ liên Triều là “điều vô nghĩa” khi mà Seoul vẫn áp dụng chính sách đối đầu chống Bình Nhưỡng và không từ bỏ sự lệ thuộc vào Washington.

Trước phản ứng của các bên liên quan trên bán đảo Triều Tiên, giới quan sát cho rằng, không dễ để Hàn Quốc và Triều Tiên có thể ngay lập tức ngồi xuống đối thoại khi mà tình hình bán đảo này đã quá nóng bỏng quanh cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân. Song đây là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này và điều đó đòi hỏi các bên cần “xuống thang”, kiên trì tinh thần hòa giải mở ra từ Tuyên bố Berlin 2000.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm