Rộ nghi vấn Nga đưa tên lửa đến sát biên giới Phần Lan
(Dân trí) - Nga được cho là đã đưa các tên lửa Iskander đến sát biên giới Phần Lan sau khi nước này thông báo quyết định sẽ xin gia nhập NATO.
Một đoạn video được Reuters chia sẻ ngày 16/5 cho thấy một đoàn gồm khoảng hơn 10 xe quân sự, trong đó có 7 xe chở tên lửa Iskander di chuyển trên tuyến đường cao tốc. Các tên lửa này được cho là vận chuyển tới Vyborg, một thành phố của Nga gần biên giới Phần Lan không lâu sau khi Tổng thống Phần Lan thông báo nước này quyết định sẽ gia nhập NATO.
"Cảm giác như một đơn vị quân sự mới sắp hình thành ở Vyborg hoặc khu vực lân cận", người thuyết minh trong đoạn video nói.
Nga hiện chưa bình luận về những thông tin trên.
Iskander là một trong những tên lửa đang được quân đội Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hệ thống tên lửa Iskander gồm: tên lửa, xe vận chuyển - nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lý tình báo, xe bảo dưỡng kỹ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi xe vận chuyển mang 2 quả đạn, dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút vào 2 mục tiêu khác nhau, bán kính sai số 5-7m.
Tên lửa Iskander có 3 phiên bản gồm Iskander-E cho xuất khẩu, Iskander-M đang được quân đội Nga sử dụng và phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm. Phiên bản Iskander-M dài 7,2m, đường kính thân lớn nhất 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50 - 480km. Do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Phần Lan, quốc gia có đường biên giới hơn 1.300 km với Nga, thông báo quyết định sẽ nộp đơn gia nhập NATO, chấm dứt chính sách trung lập nhiều thập niên qua. Nối gót Phần Lan, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm qua chính thức ký đơn xin gia nhập NATO. Bà Linde cho biết, đơn này sẽ được gửi tới Tổng thư ký NATO Jenss Stoltenberg để bắt đầu quá trình xem xét, phê duyệt.
Động thái bước ngoặt của hai quốc gia trung lập này nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên NATO, nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng gọi quyết định của Helsinki và Stockholm là "sai lầm gây hậu quả lớn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/5 cảnh báo, Nga không có vấn đề gì với việc Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập NATO, nhưng Moscow sẽ phản ứng nếu NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này. Từ lâu, Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh, Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở tỉnh Kaliningrad nếu Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.