1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Rạn nứt quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc tự bảo vệ chính mình thế nào?

Mối quan hệ đồng minh này đang có nhiều dấu hiệu rạn nứt đúng vào thời điểm hai quốc gia này đang cần nhau hơn bao giờ hết.

Trong gần 7 thập kỉ qua, Mỹ và Hàn Quốc luôn là những đồng minh thân cận nhất. Binh lính hai nước đã sát cánh bên nhau không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Dưới cái ô bảo vệ của Mỹ, nền kinh tế Hàn Quốc thời gian qua phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh này đang có nhiều dấu hiệu rạn nứt đúng vào thời điểm hai quốc gia này đang cần nhau hơn bao giờ hết, khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bước ra Vườn Hồng (Nhà Trắng) để tổ chức họp báo chung trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7/2017. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bước ra Vườn Hồng (Nhà Trắng) để tổ chức họp báo chung trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7/2017. (Ảnh: Reuters)

Ngay sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, mặc dù Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh châu Á nhưng trong các bình luận công khai, Tổng thống Donald Trump thường không nhắc tới những cam kết, mà luôn thể hiện những hoài nghi sâu sắc về các liên minh lâu năm của Mỹ.

Trên trang mạng xã hội Twitter như một cảnh báo ngầm gửi tới Seoul, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Đối thoại với Triều Tiên sẽ chẳng ích lợi gì”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Kuckabee Sanders ngày 5/9 nhấn mạnh, bây giờ không phải là thời điểm dành nhiều thời gian vào đối thoại với Triều Tiên.

“Đây là mối đe dọa toàn cầu và tất cả các quốc gia đều phải tham gia vào gia tăng sức ép đối với Triều Tiên”, bà Sanders cho biết. “Tôi đã khẳng định rằng tất cả các lựa chọn đều được đặt trên bàn đàm phán và chúng tôi tiếp tục cân nhắc cho đến khi tìm kiếm được kết quả mong muốn”.

“Tất cả các lựa chọn được đặt trên bàn đàm phán”, trong đó có thể bao gồm cả biện pháp quân sự mà Tổng thống Donald Trump từng đề cập trước đó nhằm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu không đồng thuận hoàn toàn giữa hai đồng minh Mỹ và Hàn Quốc trong cách tiếp cận với Triều Tiên. Nếu ông Donald Trump coi Triều Tiên là mối đe dọa hạt nhân hàng đầu thì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn cố gắng giải quyết vấn đề bằng việc xây dựng sự đồng thuận, hòa giải và đạt được thống nhất trên bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn kể từ sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố ủng hộ Mỹ gia tăng sức ép trừng phạt xa hơn nhằm vào Triều Tiên, nhất trí thúc đẩy các biện pháp nhằm năng cao năng lực quốc phòng của Hàn Quốc đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Moon Jae-in vẫn khẳng định, chỉ gia tăng sức ép và trừng phạt không ngăn được bước đi của Triều Tiên. Trong một thông điệp cứng rắn trước đó có thể khiến Mỹ cũng như bất cứ quốc gia nào muốn khơi mào hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên cũng phải dè chừng khi ông Moon Jae-in khẳng định, không ai được phép quyết định hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự ủng hộ của Hàn Quốc.

Chuyên gia phân tích tại Viện Sejong tại Seoul, ông Lee Seong-hyon cho rằng, với việc Tổng thống Moon Jae-in luôn khẳng định lập trường ủng hộ đối thoại với Triều Tiên, Mỹ sẽ phải đặt ra câu hỏi, liệu Hàn Quốc có phải là quốc gia tiếp tục đồng hành với Mỹ hay không? Có sự rạn nứt giữa hai đồng minh thời gian gần đây khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo có thể rút khỏi Thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc.

Theo giới quan sát, bất đồng về quan điểm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc trong cách tiếp cận với Triều Tiên là điều khó tránh khỏi. Ông Moon Jae-in được cho là một nhân vật thân cận với cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun - người nổi tiếng với chính sách “Ánh dương” thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in cho biết sẽ “nói không” với người dân Mỹ nếu cần thiết, trái ngược với các chính phủ Bảo thủ của Hàn Quốc trước đó luôn khẳng định sẽ sát cánh cùng với Mỹ.

Theo chuyên gia phân tích Kim Ji-yoon của Hàn Quốc, Mỹ lo ngại rằng ông Moon Jae-in là một hình mẫu Roh Moo-hyun thứ hai của Hàn Quốc. Với một Tổng thống Hàn Quốc luôn ưu tiên đối thoại, Mỹ lo ngại điều này có thể giúp Triều Tiên mua thêm thời gian và đảm bảo nhận được các quĩ để phát triển chương trình vũ khí của mình.

Trong bối cảnh Mỹ không còn là một đồng minh đáng tin cậy nữa thì người dân Hàn Quốc cũng phải lên phương án để tự bảo vệ chính mình. Mỹ hiện không dễ dàng đưa ra những cam kết bảo vệ các đồng minh tại châu Á, khi chính họ cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu từ Triều Tiên. Những người dân Hàn Quốc lo ngại rằng, ngay sau khi Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa, nước này có thể sử dụng tối hậu thư, với đề nghị đóng băng chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc.

Trong viễn cảnh xấu nhất, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc và sử dụng kho vũ khí của nước này để răn đe Mỹ can thiệp. Chính vì vậy, Tổng thống Moon Jae-in vẫn luôn khẳng định mong muốn cần một giải pháp hòa bình, vì khi chiến tranh xảy ra, không phải người dân Mỹ mà chính người dân Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với sự khốc liệt nhất của chiến tranh.

Theo Phạm Hà

VOV