Quốc gia NATO nêu điều kiện cấp tiêm kích "sát thủ" F-16 cho Ukraine
(Dân trí) - Thủ tướng Ba Lan nêu điều kiện cung cấp F-16 cho Ukraine, trong khi Tổng thống Mỹ bác khả năng chuyển giao tiêm kích này cho Kiev.
Trong cuộc họp báo hôm 30/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ khi phối hợp hành động với các nước khác trong khối NATO.
Ông Morawiecki cho biết Ba Lan điều phối tất cả các hành động liên quan đến việc tăng cường khả năng phòng thủ của Kiev với các đối tác NATO, chủ yếu với Mỹ. Ông đề cập đến các quyết định gần đây của các nước phương Tây về việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot cũng như xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 cho Ukraine.
"Tương tự trường hợp của máy bay MiG-29 cách đây vài tháng, bất kỳ sự hỗ trợ máy bay nào khác sẽ được điều phối, thực hiện và có thể được chuyển giao cùng với các quốc gia thành viên NATO khác. Chúng tôi sẽ hành động phối hợp đầy đủ", ông Morawiecki nói.
Tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan được đưa ra sau khi truyền thông nước này tuần trước đưa tin Warsaw được cho là đã chuyển một số máy bay MiG-29 của họ cho Ukraine vào tháng 3/2022 dưới hình thức phụ tùng thay thế, trong khi Mỹ và các đồng minh từ chối cung cấp máy bay quân sự cho Kiev vì cho rằng động thái này có thể "leo thang" căng thẳng.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái, Washington là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự chính cho Kiev, chi hàng chục tỷ USD cho việc hỗ trợ vũ khí sát thương. Tuy nhiên, Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp các loại khí tài tiên tiến như máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và cuối cùng dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và NATO.
Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, có thông tin tiết lộ rằng một số quan chức quân đội Mỹ đã "âm thầm thúc đẩy" Bộ Quốc phòng bật đèn xanh cho việc chuyển giao F-16 cho Kiev. Theo hãng tin Politico, một số nguồn tin trong Lầu Năm Góc tuyên bố những nỗ lực này đang "đạt được động lực" sau khi Washington đồng ý gửi xe tăng và hệ thống Patriot cho Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 25/1 tiết lộ, "các đồng nghiệp ở châu Âu" giấu tên đang thảo luận với Kiev về việc cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng hy vọng nước này sẽ được viện trợ máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa.
Giới chức quốc phòng Mỹ cùng nhiều nước đồng minh phương Tây đã nhiều lần bảy tỏ với phía Ukraine về việc không muốn các công nghệ hiện đại được trang bị trên máy bay chiến đấu, xe tăng và các tổ hợp phòng không của họ bị quân đội Nga thu giữ và nghiên cứu nhằm tìm cách hóa giải.
Với các máy bay chiến đấu F-15 và F-16, hạ tầng sân bay của Ukraine hiện cũng không cho phép Kiev tiếp nhận các loại máy bay này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hồi tháng 7/2022 đã thừa nhận các sân bay quân sự của Ukraine hiện tại đều không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16.
Ngày 30/1, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ phương án chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng: "Không".