Tiêm kích "sát thủ" F-16 có thể làm xoay chuyển chiến sự Nga - Ukraine?
(Dân trí) - Trong bối cảnh phương Tây đồng loạt công bố viện trợ xe tăng cho Ukraine, Kiev nói rằng họ có thể nhận được tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để đối phó Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 25/1 cho hay, "các đồng nghiệp ở châu Âu" giấu tên đang thảo luận với Kiev về việc cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Sau khi Mỹ và Đức thông báo sẽ viện trợ xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 cho Kiev, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Yuriy Sak, nói mục tiêu tiếp theo của Kiev sẽ là nhận được các máy bay chiến đấu từ phương Tây.
"Nếu chúng tôi có được F-16, lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng to lớn. Không chỉ là F-16. Máy bay thế hệ thứ tư, đây là những gì chúng tôi muốn", ông nói.
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra hồi tuần trước gợi ý rằng Hà Lan sẽ cân nhắc các yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 với "một tinh thần cởi mở".
Hôm 25/1, giám đốc điều hành của Lockheed Martin, Frank St. John, cho biết đã có các cuộc thảo luận về việc bên thứ ba chuyển giao máy bay phản lực F-16 cho Ukraine.
F-16V được Lockheed Martin gọi là "chiếc F-16 mới nhất và tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay". Theo Không quân Mỹ, máy bay phản lực F-16 hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết có thể bay hơn 965km và chịu được lực tác động lên đến 9G, tức là gấp 9 lần lực hấp dẫn.
F-16 có sải cánh dưới 10m, chiều dài chỉ khoảng 15m và có trần bay hơn 15.200m.
Thách thức và rủi ro
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng F-16 không phải là vũ khí mà lực lượng không quân Ukraine cần nhất lúc này.
"Ukraine cần tiêm kích. Nhưng F-16 là máy bay chiến đấu không phù hợp vào lúc này", chuyên gia quân sự Harry Kazianis nhận định.
Chuyên gia Frank Ledwidge nói với Newsweek rằng "có một số vấn đề kỹ thuật nhất định với F-16", mặc dù Mỹ và đồng minh có số lượng lớn vũ khí này.
Ông Ledwidge cho biết, những chiếc F-16 sẽ rất khó hoạt động ở Ukraine vì sân bay quân sự của Ukraine hiện tại đều không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16.
Theo ông, một khí tài phù hợp hơn với tình hình Ukraine là tiêm kích Saab Gripen do Thụy Điển sản xuất.
Trong khi đó, chuyên gia Kazianis nhận định rằng, việc phương Tây viện trợ các máy bay chiến đấu thời Liên Xô như Su-27, MiG-29 hoặc các máy bay khác mà lực lượng không quân Ukraine đã có kinh nghiệm sử dụng trước đó sẽ có lợi hơn.
"Tôi hiểu Ukraine cần mọi thiết bị quân sự mà họ có thể có để chống lại Nga. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có những nền tảng máy bay chiến đấu sẽ hữu ích hơn F-16", ông nói.
Mặt khác, theo chuyên gia quân sự VK Thakur, các tiêm kích F-16 sẽ cần vận hành với các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3 AWACS của Mỹ để tạo nên sự khác biệt trên chiến trường.
"Không có sự bọc lót của máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, F-16 sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu cho cặp Su-30SM và Su-35 của Nga khi 2 máy bay này làm nhiệm vụ tuần tra trên tiền tuyến", ông Thakur nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự góp mặt của E-3 AWACS được cho là sẽ gây ra rủi ro làm chiến sự leo thang.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev năm ngoái đã cảnh báo rằng, các khí tài NATO tích cực tham gia vào cuộc xung đột sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" cho các lực lượng vũ trang Nga.
Các máy bay AWACS của Mỹ có thể trở thành mục tiêu cho các tiêm kích Nga mang tên lửa không đối không và tên lửa 40N6E của hệ thống S-400. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, xung đột có thể leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát.