1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quân đội Nga đã chuẩn bị gì cho tuyến phòng thủ tả ngạn sông Dnieper?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Nga đang khẩn trương gia cố tuyến phòng thủ tại bờ bên trái sông Dnieper trước nguy cơ bị các lực lượng Ukraine tấn công.

Quân đội Nga đã chuẩn bị gì cho tuyến phòng thủ tả ngạn sông Dnieper? - 1
Phòng tuyến tả ngạn sông Dnieper của quân đội Nga đang được khẩn trương gia cố (Ảnh: Defense Express).

Trong một phát biểu được đưa ra hôm 10/11, ông Sergey Morov, đại diện chính quyền thân Nga tại khu vực Kherson, xác nhận các tuyến phòng thủ tại tả ngạn sông Dnieper đang được khẩn trương gia cố sau quyết định rút lui khỏi thành phố Kherson của quân đội Nga.

"Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng cho phòng tuyến tả ngạn sông Dnieper một cách nhanh nhất có thể. Các binh sĩ đã đào nhiều chiến hào, dựng thêm công sự, đặt các chướng ngại vật chống tăng và chuẩn bị các trận địa pháo. Quân đội Ukraine sẽ không thể đặt chân sang phía bờ bên này vì họ sẽ gặp những sự kháng cự rất mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ không rút khỏi phòng tuyến tả ngạn sông Dnieper", ông Morov trả lời truyền thông Nga.

Sau quyết định rút lui, quân đội Nga cũng đã đánh sập nhiều cây cầu và phá hủy một số hạ tầng thông tin liên lạc tại thành phố Kherson nhằm cản bước tiến của các lực lượng Ukraine.

Theo Defense Express, ít nhất 10 cây cầu tại các khu vực Snigurivka, Mylovo, Novokairy, Tyaginka, Darivka, Myrolyubivka và Pravdyne đã bị phá hủy. Ngoài ra, một số điểm vượt sông được xây dựng bởi quân đội Nga để tiếp tế cho lực lượng phòng thủ bên trong Kherson cũng đã bị pháo binh Nga xóa sổ. Bên cạnh đó, một tháp truyền hình và thông tin liên lạc ở Kherson cũng đã bị đánh sập. Nhà chức trách Kiev cáo buộc Moscow đang muốn làm rối loạn hoạt động liên lạc của Ukraine trong khu vực.

Quân đội Nga đã chuẩn bị gì cho tuyến phòng thủ tả ngạn sông Dnieper? - 2
Một tháp truyền hình bị phá hủy ở Kherson (Ảnh: Defense Express).

Tối 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh rút các lực lượng phòng thủ của Nga khỏi thành phố Kherson sang bờ bên kia sông Dnieper. Ông Shoigu cũng yêu cầu giới chức quân đội và chính quyền thân Nga tại Kherson đảm bảo an toàn và trật tự cho cuộc rút quân của quân đội Nga.

Lý giải cho quyết định này, Tướng Sergei Surovikin, Tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine, cho biết quân đội Nga không còn đủ khả năng cung cấp hậu cần cho các lực lượng phòng thủ bên trong Kherson.

"Chúng ta sẽ bảo toàn tính mạng cho các binh sĩ và khả năng chiến đấu của các đơn vị. Giữ họ lại bên trong thành phố là vô ích. Họ sẽ được tái tổ chức và bổ sung đến các phòng tuyến khác", Tướng Surovikin nhấn mạnh.

Quân đội Nga khẳng định các lực lượng phòng thủ của Nga tại đây sẽ được tái bố trí tại các tuyến phòng thủ khác trong khu vực nhằm bảo vệ an toàn cho bán đảo Crimea. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đang tiến hành gia cố các chiến hào và công sự tại khu vực phía bắc bán đảo này.

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Ngày 9/11: Quân đội Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine.

Theo Tass, Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine