Qatar “kiện” các nước láng giềng Arab lên ICAO
Liên Hợp Quốc ngày 23/6 đã đề nghị đứng ra giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Qatar với các nước Arab.
Trong một dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Vùng Vịnh tiếp tục leo thang, chính phủ Qatar hôm qua đã bác bỏ những điều kiện mà các quốc gia Arab đưa ra trước đó một ngày, đồng thời gửi yêu cầu lên Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) nhằm buộc những nước này phải mở cửa trở lại các hành lang hàng không với Qatar.
Chính phủ Qatar ngày 23/6 cho biết đang xem xét những yêu cầu mà 4 nước láng giềng Arab đưa ra trước đó 1 ngày nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất tại vùng Vịnh hiện nay, song chỉ trích những yêu sách này là phi lý. Trong khi đó Ủy ban nhân quyền quốc gia Qatar ra tuyên bố khẳng định, đây là một sự vi phạm đối với công ước về nhân quyền và vì thế Chính phủ Qatar không nên chấp thuận.
Theo các nhà phân tích, yêu cầu mà 4 nước láng giềng Arab đưa ra chắc chắn sẽ bị phía Qatar bác bỏ, vì nó hoàn toàn đi ngược lại chính sách của nước này. Được gửi kèm một tối hậu thư, bản danh sách chủ yếu đề cập 4 vấn đề chính: yêu cầu Qatar chấm dứt cái mà những nước này coi là “mọi hoạt động tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố”, giảm quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này và cuối cùng là phải chấm dứt mọi hoạt động của kênh tin tức Al Jazeera.
“Một yêu cầu như thế có thể xem là một sự can dự vào các mối quan hệ song phương”, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik nhận định về bản danh sách này. “Bởi căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar là vì an ninh của Qatar và khu vực. Bất kỳ sự dàn xếp nào đối với an ninh khu vực đều là không thể chấp nhận.”
Cảnh báo với Qatar trong trường hợp không thực hiện những yêu cầu này là không rõ ràng, song theo các nhà phân tích, về mặt logic có thể hiểu là những biện pháp cấm vận trên không và trên bộ được triển khai suốt 3 tuần qua sẽ tiếp tục được duy trì. Điều này đã buộc Qatar phải dựa vào đường hàng không để nhận những hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ngay cả trong trường hợp Qatar chấp nhận những yêu cầu này, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh vẫn chưa thể được giải quyết. Bởi trong yêu cầu của mình, 4 nước Arab cũng nêu rõ, Qatar sẽ vẫn phải chịu sự giám sát nhằm đảm bảo nước này tôn trọng các cam kết và sự giám sát này chắc chắc sẽ không thể chỉ kéo dài trong ngày một ngày hai. Và điều này là không thể chấp nhận đối với một quốc gia có chủ quyền như Qatar.
Cũng trong ngày 23/6, Qatar đã gửi yêu cầu lên ICAO nhằm buộc các nước Arab láng giềng mở cửa trở lại các hành làng hàng không với nước này.
Dự kiến, Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế sẽ tổ chức cuộc họp bất thường về vấn đề này vào ngày 30/6 tới.
Một số nguồn tin cho biết, Qatar có thể yêu cầu Tổ chức hàng không dân sự quốc tế một cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước Chicago 1944. Cơ quan về hàng không của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Montreal (Canada), không đưa ra quy định mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng có ảnh hưởng đối với 191 thành viên thông qua việc đề ra những tiêu chuẩn về an ninh và an toàn hàng không.
Trong một nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng, Liên Hợp Quốc ngày 23/6 đã đề nghị đứng ra giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Qatar với các nước Arab.
Theo Người phát ngôn Liên hợp quốc Eri Kaneko, Liên Hợp Quốc hy vọng các nước có thể giải quyết tình hình thông qua đối thoại, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nếu nhận được lời đề nghị của các bên. Bà khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với sự quan tâm sát sao.
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh Nhà Trắng coi cuộc khủng hoảng sâu sắc này chủ yếu là một vấn đề nội bộ khu vực, đồng thời hối thúc các lãnh đạo khu vực đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Ông cũng bày tỏ Mỹ sẵn sàng giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các nước Arab vùng Vịnh.
Theo Thu Hoài
VOV