1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Vòng xoáy" mới giữa vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh kéo dài suốt 3 tháng qua tưởng chừng đã có bước đột phá mới sau khi xuất hiện thông tin về một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước Saudi Arabia và Qatar...


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Song mọi hy vọng và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhanh chóng bị dập tắt với việc Saudi Arabia quyết định dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar.

Dừng đối thoại

Ngày 9/9, Saudi Arabia tuyên bố dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar, đồng thời cáo buộc nước này “bóp méo sự thật”. Saudi Arabia tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn về tình hình căng thẳng với Qatar khi tuyên bố sẽ tiếp tục hành động và giữ nguyên quan điểm cho đến khi Doha phản ứng lại. Ngoại trưởng Adel bin Ahmed Al-Jubeir nhấn mạnh Qatar cần phải cho thấy sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, và điều này đồng nghĩa với việc phải thực thi những điều khoản mà các nước Arab yêu cầu. Ông khẳng định “không có con đường khác”.

Trước đó, truyền thông nhà nước của Saudi Arabia và Qatar đều đưa tin Hoàng Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và các nước láng giềng Arab tại vùng Vịnh. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hồi đầu tháng 6 năm nay.

Theo hãng thông tấn nhà nước QNA của Qatar, cuộc điện đàm trên được tiến hành dưới sự điều phối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó cả Quốc vương Qatar và Hoàng Thái tử Saudi Arabia đều nhấn mạnh đối thoại là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao, nhằm đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Trong khi hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia đưa tin, Quốc vương Qatar bày tỏ mong muốn tiến hành đối thoại và thảo luận về các yêu cầu của 4 nước Arab để đảm bảo lợi ích của các bên.

Tuy nhiên ngay sau đó, SPA đã ra thông báo thứ hai cho biết nước này bác bỏ thông tin của QNA, khẳng định cuộc điện đàm diễn ra sau khi Qatar yêu cầu được đối thoại với 4 nước láng giềng Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo SPA, Saudi Arabia quyết định đình chỉ đối thoại hoặc liên lạc với giới chức ở Qatar cho tới khi một tuyên bố rõ ràng được đưa ra nhằm làm sáng tỏ quan điểm của Saudi Arabia trước công luận.

Sau khi Saudi Arabia tuyên bố dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar đồng thời cáo buộc Doha “bóp méo sự thật”, ngày 10/9, Ngoại trưởng UAE Anwar Mohammed Qarqash đã miêu tả bất đồng giữa Qatar và các nước Arab là một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự, cho rằng Doha đang phớt lờ “vấn đề cốt lõi” của cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Qarqash cho biết Qatar cần phải nhận thức rằng cuộc khủng hoảng là kết quả của việc nước này ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và âm mưu gây bất ổn tại các nước láng giềng, những cáo buộc vốn bị Doha nhiều lần bác bỏ. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao UAE nêu rõ: “Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và nó có thể được giải quyết bằng các giải pháp, chứ không phải thông qua truyền thông”. Theo ông Qarqash, giới chức UAE đang tìm kiếm một giải pháp nhằm bảo vệ khu vực trước những hậu quả của các chính sách gây bất ổn và bạo lực.

Trước đó, ngày 8/9, các nước Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã ra tuyên bố không công nhận những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với việc Qatar tuyên bố sẵn sàng thảo luận về bản yêu sách gồm 13 điểm mà các nước này đưa ra đối với Qatar. Theo Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập, Qatar không nên áp đặt bất kỳ một điều kiện nào đối với việc thảo luận bản yêu sách đồng thời việc lựa chọn giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh sẽ không được tính đến và sẽ không được xem xét trong bất kỳ trường hợp nào.

Kênh truyền hình Sky News dẫn tuyên bố của Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cho rằng yêu cầu của Qatar đòi dỡ bỏ phong tỏa đường không, đường bộ và đường biển thể hiện nước này không nghiêm túc xem xét những quan ngại của họ.

Chưa thấy lối thoát

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6 vừa qua khi các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực cũng như có quan hệ gần gũi với Iran. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đưa ra một “tối hậu thư” gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Tuy nhiên Qatar đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc của Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập.

Hàng loạt diễn biến căng thẳng này đã đẩy khu vực Trung Đông rơi vào nguy cơ vòng xoáy mới, khiến cộng đồng quốc tế liên tiếp có những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng tại vùng Vịnh. Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia láng giềng vùng Vịnh, Kuwait đã dẫn đầu triển khai các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tháo ngòi căng thẳng và tìm ra biện pháp kiểm soát tình hình.

Hồi tháng 8, Kuwait đã đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo của Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập và Qatar song sáng kiến này đã không được các nước liên quan ủng hộ. Trong khi đó, nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa giải, Tổng thống Mỹ Trump ngày 7/9 đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài suốt 3 tháng qua và tin tưởng rằng những tranh cãi ngoại giao có thể sớm được giải quyết.

Ngày 10/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nước Arab và Qatar nên đàm phán trực tiếp để giải quyết xung đột ngoại giao hiện nay cũng như xây dựng lại sự thống nhất trong khu vực. Phát biểu trong buổi họp báo tại Jeddah nhân chuyến thăm Saudi Arabia, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Moskva mong muốn giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán, bằng việc bày tỏ quan ngại trực tiếp cũng như đạt được giải pháp có thể giải quyết các quan ngại và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Cho rằng những nỗ lực trung gian hòa giải đang có kết quả, Ngoại trưởng Nga khẳng định các bên đều được hưởng lợi từ những nỗ lực này cũng như sự thống nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh nhưng việc Saudi Arabia dừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar khiến căng thẳng vẫn chưa có lối thoát. Để có thể thu hẹp bất đồng, các quốc gia Arab và Qatar cần tìm hướng giải quyết thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin vững chắc về chính trị và tiến tới nhận thức chung trong các vấn đề khu vực.

Theo T.Lâm

Pháp luật Việt Nam