1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây "lên dây cót" ứng phó nguy cơ xung đột quân sự Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Phương Tây tăng cường chuẩn bị cho kịch bản xung đột Nga - Ukraine, khi các nước bắt đầu đàm phán về nguồn cung năng lượng và Tổng thống Mỹ Biden dọa áp lệnh trừng phạt người đồng cấp Nga Putin.

Phương Tây lên dây cót ứng phó nguy cơ xung đột quân sự Nga - Ukraine - 1

Khí tài quân sự Nga khai hỏa trong cuộc tập trận vào tháng 12/2021 (Ảnh: EPA).

Theo Reuters, căng thẳng vẫn ở mức cao sau khi NATO hôm 24/1 thông báo đang đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng "sẵn sàng chiến đấu" và đưa thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu tới Đông Âu để đối phó với việc Nga tăng cường quân sự gần biên giới Ukraine.

Nga cho đến nay vẫn phủ nhận có bất kỳ kế hoạch hành động quân sự nào đối với Ukraine, đồng thời cho biết nước này đang theo dõi tình hình với "mối quan ngại sâu sắc". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại quan điểm của Moscow rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ các hành động của Mỹ và NATO, chứ không phải do Nga tăng cường lực lượng quân sự gần Ukraine.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 25/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời cho biết ông và các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp đang xúc tiến một cuộc gặp giữa lúc căng thẳng leo thang.

"Không có lăng kính màu hồng, không có ảo tưởng ngây thơ, mọi thứ không hề đơn giản... Nhưng vẫn có hy vọng. Hãy bảo vệ cơ thể bạn khỏi virus, trí não của bạn khỏi những lời dối trá và trái tim của bạn khỏi sự hoảng loạn", Tổng thống Zelenskiy nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại rằng ông không có kế hoạch đưa quân đội Mỹ đến Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO, nhưng cho biết ông sẽ cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cảnh báo "hậu quả to lớn" trên toàn thế giới nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine.

Ông Biden cảnh báo, nếu Nga đưa tất cả lực lượng của nước này vào Ukraine, đó sẽ là "cuộc tấn công lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2" và sẽ "làm thay đổi thế giới".

Mỹ hiếm khi áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng chuyện này không phải là chưa từng xảy ra. Trước khi Tổng thống Biden dọa trừng phạt Tổng thống Putin, các nhà lãnh đạo khác từng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ gồm Nicolas Maduro (Venezuela), Bashar al-Assad (Syria) và Muammar Gaddafi (Libya).

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 8.500 lính Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động cao và đang chờ lệnh triển khai tới sườn phía đông của NATO. Ngày 25/1, Tổng thống Biden cho biết ông có thể chuyển quân trong thời gian tới. Cùng ngày, một máy bay của Mỹ chở thiết bị quân sự và vũ khí đã hạ cánh xuống Kiev, đây là chuyến hàng thứ 3 trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 200 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine.

Mặc dù giữa các quốc gia châu Âu vẫn xuất hiện sự khác biệt về cách ứng phó tốt nhất đối với tình hình Nga - Ukraine hiện nay, song các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn nhấn mạnh rằng đoàn kết là yếu tố quan trọng.

"Điều quan trọng là phương Tây phải đoàn kết, bởi vì sự đoàn kết của chúng ta hiện nay sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Nga", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói, hối thúc các nước châu Âu sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt Nga ngay khi có bất kỳ hành động quân sự nào.

Thủ tướng Johnson cho biết Anh đang thảo luận với Mỹ về khả năng cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ tìm cách làm rõ ý định của Nga trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Putin vào ngày 28/1. Các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Đức và Pháp sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 26/1.

Tổng thống Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nhắc lại rằng Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu động binh với Ukraine.

Nga được cho là đang duy trì hàng chục nghìn quân gần biên giới Ukraine. Moscow yêu cầu phương Tây đảm bảo về an ninh, trong đó có lời hứa của NATO về việc không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. Moscow coi Ukraine là vùng đệm giữa Nga và các nước NATO.

Chuyển dịch nguồn cung năng lượng 

Phương Tây lên dây cót ứng phó nguy cơ xung đột quân sự Nga - Ukraine - 2

Binh sĩ Ukraine dỡ thiết bị quân sự do Mỹ chuyển tới tại sân bay ở Kiev hôm 25/1 (Ảnh: Reuters).

Tại Washington, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Mỹ đang đàm phán với các nước và công ty sản xuất năng lượng lớn trên thế giới về khả năng chuyển hướng nguồn cung năng lượng tới châu Âu nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine.

Trao đổi với các phóng viên qua điện thoại, các quan chức Mỹ không nêu cụ thể tên các quốc gia hoặc công ty mà Washington đang đàm phán, nhưng cho biết họ bao gồm một loạt nhà cung cấp năng lượng, trong đó có cả những đơn vị bán khí hóa lỏng (LNG).

"Chúng tôi đang làm việc để xác định nguồn cung bổ sung khí đốt tự nhiên không phải từ Nga, mà từ các khu vực khác nhau trên thế giới như Bắc Phi, Trung Đông đến châu Á và Mỹ", một quan chức cấp cao cho biết.

EU hiện phụ thuộc vào Nga với khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay thêm nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt.

Theo Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một cuộc xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine có thể sẽ làm tăng thêm chi phí năng lượng cho nhiều quốc gia, khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn.

Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 650 triệu USD cho Ukraine trong năm qua và tổng cộng hơn 2,7 tỷ USD từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cho đến nay, NATO có khoảng 4.000 quân trong các tiểu đoàn đa quốc gia ở Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan với sự yểm trợ của xe tăng, hệ thống phòng không và các đơn vị tình báo, trinh sát.

Theo New York Times, các quan chức Lầu Năm Góc đã trình Tổng thống Biden các phương án triển khai từ 1.000-5.000 quân tại các nước Baltic và Đông Âu, thậm chí gấp 10 lần số này nếu tình hình xấu đi. Trong khi đó, NATO cho biết Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan đều đang lên kế hoạch hoặc cân nhắc đưa binh sĩ, máy bay hoặc tàu chiến đến Đông Âu.

Theo www.channelnewsasia.com