1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phòng không Nga bắn hạ chính máy bay của mình: Chuyện gì đang xảy ra?

Minh Phượng

(Dân trí) - Tên lửa phòng không Nga một lần nữa thể hiện "sức mạnh", và mục tiêu lần này là chiếc Su-27 của chính họ, dẫn tới tỷ lệ bắn nhầm đã lớn hơn Ukraine.

Phòng không Nga bắn hạ chính máy bay của mình: Chuyện gì đang xảy ra? - 1

Chiến đấu cơ Su-34 Nga bị bắn hạ (Ảnh minh họa: Military Watch).

Phòng không Nga liên tục mắc lỗi "quân ta bắn quân mình"

Phòng không Nga lại tiếp tục chuỗi "thành tích" không vui khi hạ thêm một máy bay máy bay chiến đấu Su-27SM3 của chính mình ngay trên bầu trời bán đảo Crimea vào ngày 28/3.

Trước đó, một máy bay chiến đấu khác là Su-35 cũng vô tình bị bắn nhầm.

Su-27SM3 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (viết tắt là VKS) đã phục vụ được 30 năm, so với Su-35 và Su-30SM, thì khả năng tác chiến trên không của nó khá lạc hậu, trong khi khả năng tấn công mặt đất cũng hạn chế do chỉ có thể thả bom thường và phóng tên lửa không có điều khiển.

Vì vậy những chiếc Su-27SM3 không thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình Storm Shadow do máy bay ném bom Su-24M của Ukraine phóng vào Crimea.

Trong thời gian qua, VKS Nga - chủ yếu là không quân chiến thuật - tiếp tục thể hiện tốt trên chiến trường, thả hàng nghìn quả bom lượn có điều khiển vào các mục tiêu ở Ukraine và có rất ít máy bay chiến đấu của họ bị phòng không Ukraine hạ gục.

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra ở phía sau hậu phương, khi tiêm kích Su-27SM3 bị chính lực lượng phòng không Nga tiêu diệt.

Thị trưởng Sevastopol Razvozaev cho biết: "Một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã bị tai nạn rơi xuống biển, trong một cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Sevastopol thuộc bán đảo Crimea. Phi công trên máy bay đã kịp thời nhảy dù thành công".

Sau đó lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được phi công cách bờ biển 200m và đưa anh đến bệnh viện Sevastopol. Trong ảnh có thể thấy đám cháy lớn của chiếc tiêm kích Su-27SM3 bị rơi.

Phòng không Nga bắn hạ chính máy bay của mình: Chuyện gì đang xảy ra? - 2

Tiêm kích Su-27SM3 của Không quân Nga bị bắn hạ ở Crimea (Ảnh: telegram).

Một khi bị tên lửa phòng không khóa chặt và nổ gần máy bay thì ít có cơ hội thoát, phi công có thể bị chết trong buồng lái, hoặc cơ cấu ghế phóng bị hỏng, khiến phi công không thể phóng dù ra ngoài, cũng có thể dẫn đến thiệt mạng.

Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, quân đội Nga không sử dụng tiêm kích MiG-29 tham chiến. Ngược lại, chủ lực của Không quân Ukraine hiện nay là máy bay ném bom Su-24, tiêm kích Su-27 và MiG-29. Nếu không quân Nga sử dụng nhiều MiG-29 ở tuyến đầu, thì tỷ lệ rơi máy bay có thể còn cao hơn nhiều.

Hệ thống nhận diện địch - ta của phòng không Nga có vấn đề?

Một số chuyên gia cho rằng, việc quân đội Ukraine liên tục thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và UAV, khiến lực lượng phòng không Nga "rất nhạy cảm".

Tuy nhiên, dường như hệ thống nhận dạng địch - ta của quân đội Nga gặp nhiều vấn đề lớn, khi liên lạc giữa không quân và phòng không mặt đất liên tục bị trục trặc.

Đáng lo ngại là các máy bay chiến đấu Su-27, Su-35 và máy bay cảnh báo sớm A-50U được cho là "vô tình bị bắn trúng" trước đó, đều nằm trên không phận Nga.

VKS Nga hiện nay có thể nói đã chịu tổn thất không nhỏ, các máy bay chiến đấu Su-34 hay Su-35 tiên tiến nhất và máy bay cảnh báo sớm A-50U vẫn có thể bị phòng không Ukraine bắn hạ.

Nguyên nhân sâu xa là việc VKS Nga tham chiến ở Syria, nơi phiến quân có lực lượng phòng không gần như bằng 0. Chính điều kiện chiến trường như vậy có thể đã khiến lãnh đạo quân đội Nga cũng như không quân Nga nảy sinh tâm lý chủ quan, coi thường đối thủ, xem nhẹ các mối đe dọa đối với máy bay từ mặt đất.

Từ tâm lý chủ quan này, khiến họ  cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc cải tiến vũ khí hàng không tấn công tầm xa. Kết quả là những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại của lực lượng không quân chiến thuật Nga, như Su-30SM, Su-34 và cả Su-35 vẫn phải sử dụng bom thường, theo phương pháp lạc hậu cắt bom ngay trên đầu mục tiêu.

Chiến thuật ném bom lạc hậu này của Nga, đã khiến hàng loạt máy bay chiến đấu của họ bị phòng không dã chiến Ukraine bắn hạ trong giai đoạn đầu cuộc xung đột. Thậm chí có thời gian, lực lượng không quân chiến thuật của Nga rơi vào khủng hoảng, hạn chế xuất kích.

Cuộc khủng hoảng được cho là đã tạm thời chấm dứt khi Nga đưa hàng loạt bom thường có gắn mô-đun cánh lượn UMPK, biến những quả bom thường thành bom có điều khiển với giá thành rẻ, số lượng lớn, qua đó kịp thời chi viện hỏa lực mạnh cho lực lượng mặt đất chiến đấu.

Về nguyên nhân trực tiếp, đó chính là việc Không quân Nga thiếu chiến thuật chế áp phòng không đối phương và sự phối hợp, hiệp đồng chiến thuật phòng không ở các vị trí chiến lược.

Nga có vẻ cũng đang tụt hậu về công nghệ tự động hóa nhận diện địch - ta giữa phòng không và không quân do các hệ thống này phần lớn vẫn từ thời Liên Xô phát triển và được Nga cải tiến, chứ không phải là các hệ thống mới mang tính đột phá.

Quân đội Nga tụt hậu không chỉ về công nghệ quân sự mà còn cả về triết lý quân sự như việc sử dụng bom lượn có điều khiển từ bom thường, người Mỹ đã vượt lên từ hơn 20 năm trước. Chỉ khi máy bay chiến đấu Nga bị bắn rụng liên tục, họ mới gấp rút phát triển bom UMPK.

Hay tư duy về việc sử dụng UAV trên chiến trường, giai đoạn đầu cuộc chiến, họ cũng tụt hậu ít nhiều so với Ukraine. Nhưng rất may là lãnh đạo quân đội Nga đã kịp "sửa sai", khi phát triển cả bom lượn có điều khiển và UAV các loại.

Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo quân đội Nga chưa chú trọng sử dụng UAV vũ trang tích hợp giám sát và chiến đấu, mà họ vẫn chủ yếu dựa vào UAV tự sát Lancet, nhưng tầm hoạt động của chúng quá ngắn.

Nếu Nga không có UAV cảm tử kiểu Shahed-136 được cho là có xuất xứ từ Iran và cải tiến thành Geran-2, thì họ làm sao có thể tiêu hao được số tên lửa phòng không quý giá của Ukraine. Thậm chí UAV trinh sát chiến thuật chủ lực của Nga là Orlan-10 cũng sử dụng camera dân sự, khiến hình ảnh thiếu sắc nét.

Điều này nhấn mạnh rằng, quân đội Nga có lẽ chưa tận dụng bài học kinh nghiệm và không dùng nhiều tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa cùng UAV cảm tử cho các cuộc đột kích, nhằm bảo vệ lực lượng chiến đấu mặt đất hiệu quả, giảm thương vong nhiều nhất có thể.

Đối với bộ binh cũng vậy, Quân đội Nga vẫn kiên trì cách đánh cận chiến, mà chưa mạnh dạn triển khai chiến thuật tiến công liên tục từ xa đến gần, dùng hỏa lực pháo binh, tên lửa, bom dẫn đường chính xác, để diệt các mục tiêu có giá trị cao của đối phương. Chỉ đến khi các tuyến phòng thủ của Ukraine ở tuyến tiếp xúc hoàn toàn sụp đổ, thì họ mới cho bộ binh tiến về phía trước.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm