Philippines và cơ hội chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc
(Dân trí) - Trải qua 3 năm ròng theo đuổi với 2 phiên điều trần cùng gần hàng nghìn trang bằng chứng, vụ kiện của Philippines chống lại tuyên bố “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sắp được tòa phán quyết.
Vào ngày mai 12/7, Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Philippines khẳng định phải khởi kiện sau 17 năm đàm phán với Trung Quốc, sử dụng mọi biện pháp chính trị và ngoại giao nhưng không thể giải quyết tranh chấp.
Trong hồ sơ kiện, Philippines yêu cầu toà phủ nhận giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; làm rõ quy chế pháp lý của 9 thực thể ở Biển Đông; và yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Harry Krejsa, thuộc Trung tâm vì Nền An ninh mới của Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Japan Times (Nhật Bản) thì "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" thật sự là trọng tâm phiên phân xử này.
Sẽ có lợi cho nguyên đơn?
Theo giới chuyên gia, tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho bên nguyên, đồng nghĩa với việc tạo lợi thế và có tác dụng khích lệ mạnh mẽ hơn đối với tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền và cả các nước có lợi ích hàng hải và hàng không tại khu vực.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần toàn bộ Biển Đông với các chứng cứ mập mờ, không thuyết phục, sai trái về mặt lịch sử cũng như trình tự pháp lý. Bắc Kinh đơn phương áp đặt các quy định trái với Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, từ việc dùng vũ lực đánh chiếm các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, đến bồi đắp làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép.
Vì thế, phán quyết sắp tới của tòa sẽ làm suy yếu những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông, mặc dù không ngăn cản được Bắc Kinh theo đuổi tham vọng bành trướng tại khu vực.
Lợi ích ở Biển Đông của Philippines là rất lớn, không chỉ liên quan đến bãi cạn Scarborough, mà Biển Đông còn là con đường hải vận huyết mạch của nước này với thị trường khu vực và quốc tế. Ngoài ra, còn phải kể đến ngư trường truyền thống của cư dân vùng duyên hải. Nên Manila quyết không để mất lợi thế trong cuộc tranh chấp lãnh hải này, nhất là hành động bành trướng của Trung Quốc.
Báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính Trung Quốc đã bồi đắp 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và những thực thể này nằm trong vụ kiện mà tòa trọng tài thụ án từ năm 2013. Vì thế, vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc cũng tạo lợi thế cho Mỹ can dự mạnh mẽ hơn vào an ninh khu vực.
Mỹ tuy tuyên bố không là bên tranh chấp chủ quyền và giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng Washington đã nhiều lần thẳng thừng bác bỏ luận điệu về chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tháng 7/2015, Mỹ đã ra tuyên bố rằng Trung Quốc, với tư cách là một nước tham gia UNCLOS, có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết của tòa. Tại diễn đàn Shangri-La (Singapore) 2016, Mỹ tiếp tục khẳng định lợi ích hàng hải, hàng không của mình tại đây, kịch liệt phê phán Trung Quốc đã đơn phương làm cho an ninh Biển Đông, biển Hoa Đông ngày càng phức tạp và Bắc Kinh “đã tự cô lập mình”.
Sự bất chấp luật pháp quốc tế của bị đơn
Trung Quốc đã từ chối tham dự tiến trình tố tụng, với tuyên bố tòa trọng tài không có thẩm quyền xem xét vụ kiện và sẽ không tuân thủ phán quyết.
Bắc Kinh viện dẫn các lý do: (1) vụ kiện của Philippines đối với một số cấu trúc địa lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS; (2) Manila đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra tòa là “vi phạm thỏa thuận” song phương; (3) vấn đề tranh chấp phân định chủ quyền biển giữa hai quốc gia cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS.
Theo giới phân tích, nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Bắc Kinh ở vào thế rất bất lợi. Những điều Trung Quốc phản bác lại đơn kiện của Philippines là không có tính thuyết phục và ngày càng lộ diện mưu đồ bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh khẳng định hơn 60 quốc gia ủng hộ lập trường của mình về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán trực tiếp. Dù vậy, chỉ có một vài quốc gia công khai xác nhận ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh lại ve vãn Philippines, tuyên bố muốn “hàn gắn” quan hệ với Manila trước thềm tòa đưa ra phán quyết, nhưng không thành.
Theo giới phân tích, nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể chọn con đường rút lui khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, điều này sẽ “lợi bất cập hại” bởi rút khỏi UNCLOS sẽ phải mất 1 năm kể từ khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố và trong thời gian đó các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vẫn có đủ thời gian để theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc đến cùng.
Mặt khác, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tượng trong phán quyết của tòa liên quan đến vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ không thể sử dụng UNCLOS để khai thác các đáy biển trong khu vực, nhất là vùng chồng lấn với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Nguyễn Nhâm-Thanh Tùng