1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kỳ 3:

Lý lẽ của Philippines đâm toạc "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

Phía Philippines bám chặt vào luật quốc tế (nhất là UNCLOS) và tấn công trực diện vào luận thuyết “lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không tránh khỏi những hạn chế nhất định, như nó không giải quyết triệt để vấn đề chính là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông (chủ quyền đối với các đảo) và cũng không thu hẹp toàn bộ vùng tranh chấp (khi nội dung kiện của Philippines hướng vào quy chế pháp lý của chỉ 9 thực thể trong tổng số hàng chục thực thể quan trọng ở Biển Đông).

Hơn nữa giả sử Philippines “thắng kiện” hoàn toàn thì với “bản tính” của Trung Quốc bấy lâu nay, cũng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ thực thi phán quyết của tòa, dù cho phán quyết đó có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Các chuyên gia ngoại quốc hỗ trợ cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA.
Các chuyên gia ngoại quốc hỗ trợ cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA.

Tuy nhiên đây là vẫn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đấu tranh chống lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông - vùng biển quan trọng nhất nhì của thế giới. Động thái Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế có thể coi là một bước đi hợp thức và tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay.

Cả trên không và trên biển, các lực lượng vũ trang của Philippines đều không phải là đối thủ của quân đội Trung Quốc hiện nay. Thế nhưng Philippines lại rất tự tin với một đội ngũ luật sư quốc tế và chuyên gia luật biển hùng hậu vừa giỏi chuyên môn vừa thạo tiếng Anh.

Trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, phía Philippines đã nghiên cứu kỹ luật pháp quốc tế, các điểm yếu trong lập luận và hành xử của Trung Quốc, xây dựng hồ sơ kiện công phu và chọn đúng địa chỉ để thưa kiện, đó là Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Trong quá trình tố tụng, Philippines đã tích cực và nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn và yêu cầu của Tòa trọng tài quốc tế.

Hai trọng điểm tấn công

Vụ kiện xoay quanh vấn đề diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) chứ không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và phân định biển như các tuyên bố đánh lạc hướng của Trung Quốc. Philippines cho rằng Trung Quốc đã diễn giải và vận dụng sai nhiều điều trong UNCLOS.

Đoàn luật sư Philippines tham gia tranh tụng đã dựa vào UNCLOS để xoáy mạnh vào hai điểm là (1) tính pháp lý của cái gọi là “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường 9 đoạn”) của Trung Quốc ở Biển Đông và (2) quy chế pháp lý của 9 thực thể địa lý, trong đó có bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc mới chiếm quyền kiểm soát từ tay Philippines.

Người dân Philippines bức xúc biểu tình phản đối Trung Quốc dồn ép nước họ và chiếm bãi cạn của họ. Ảnh: TheTimes.
Người dân Philippines bức xúc biểu tình phản đối Trung Quốc dồn ép nước họ và chiếm bãi cạn của họ. Ảnh: TheTimes.

Khét tiếng mập mờ và nguy hiểm, thuyết “đường 9 đoạn” nhận vơ gần như toàn Biển Đông ở khu vực Đông Nam Á làm “ao nhà” của Trung Quốc. Khái niệm “9 đoạn” này đe dọa không chỉ lợi ích chính đáng của các nước Đông Nam Á mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Ngay từ đầu cuộc tranh tụng tại trụ sở “Tòa Trọng tài Thường trực” (PCA), luật sư trưởng Hilbay của Philippines đã nêu rõ cái gọi là “đường 9 đoạn” không có bất cứ cơ sở nào chiểu theo luật pháp quốc tế. Luật sư trưởng Hilbay được hỗ trợ bằng các tuyên bố tiếp theo của đội ngũ tư vấn cho phía Philippines.

Thông cáo báo chí của PCA hôm 30/11/2015 nêu rõ quan điểm của Philippines rằng Trung Quốc chưa bao giờ có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và luật pháp quốc tế chưa bao giờ chấp nhận các yêu sách đối với những vùng biển rộng lớn. Philippines khẳng định, từ đầu thế kỷ 17 luật quốc tế chỉ công nhận sự kiểm soát của Nhà nước đối với một dải biển hẹp dọc theo bờ biển (như lãnh hải). Philippines cho rằng UNCLOS là toàn diện và toàn bộ Biển Đông chịu sự chi phối của công ước này.

Vẫn theo PCA, Philippines lập luận rằng trước thế kỷ 20, Trung Quốc chỉ xác nhận lãnh thổ của họ không vượt quá đảo Hải Nam ở phía cực nam và rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông mới chỉ nổi lên vào thập niên 1930.

Philippines không dừng lại ở đó khi khẳng định rằng tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử" đối với các vùng nước ở Biển Đông thậm chí còn mới hơn nữa – nó lần đầu tiên được đề cập tới vào tháng 5/2009!

Về quy chế pháp lý của 9 thực thể biển nêu trên, Philippines đề nghị Tòa trọng tài ra phán quyết công nhận từng thực thể này hoặc là “đá” (theo Điều 121 của UNCLOS) hoặc là “bãi lúc nổi lúc chìm” (theo Điều 13). Riêng bãi Scarborough, Philippines đề nghị Tòa công nhận đó chỉ là “đá”.

“Đảo” theo định nghĩa của UNCLOS là một vùng đất hình thành tự nhiên, cao hơn mực nước biển khi thủy triều lên và duy trì được sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng.

UNCLOS quy định: “Đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý quanh nó chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Còn bãi lúc nổi lúc chìm thì không có cả lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế lẫn thềm lục địa.

Nếu Tòa trọng tài ra phán quyết phủ nhận giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” thì đây chắc chắn là thắng lợi chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các bên chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ chính sách đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Về mặt pháp lý, phán quyết có giá trị ràng buộc.

Nếu phán quyết nghiêng về Philippines thì nhiều khả năng các nước như Nhật Bản và Mỹ sẽ lấy đó làm một cơ sở quan trọng nữa để đẩy mạnh hiện diện ở khu vực Biển Đông, gây sức ép với Trung Quốc, bảo đảm quyền tự do hàng hải./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN