1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phi công Ukraine nói có cách bắt bài tên lửa siêu vượt âm sát thủ của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một phi công của Ukraine tuyên bố Kiev đã tìm ra cách khắc chế tên lửa siêu vượt âm R-37M của Nga - vũ khí được mệnh danh là sát thủ trên không.

Phi công Ukraine nói có cách bắt bài tên lửa siêu vượt âm sát thủ của Nga - 1

Tên lửa siêu vượt âm R-37M (Ảnh: Wiki).

Trả lời kênh Delfi của Lithuania, phi công điều khiển tiêm kích MiG-29 của Ukraine với mật danh "Juice" cho biết, Kiev đã tìm ra cách để né tránh tên lửa không đối không tầm xa R-37M của không quân Nga.

"Chúng tôi đã tạo ra các chiến thuật khác nhau để tránh tên lửa này - và đó là lý do tại sao chúng hiện không có tỷ lệ tấn công quá thành công trước các máy bay phản lực của chúng tôi", Juice nói.

R-37M là tên lửa không đối không (AAM) tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao từ hơn 300-400km. Nó được gọi là sát thủ trên không nhờ khả năng tấn công mục tiêu ấn tượng.

Đây được xem là một trong những tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới. Nó có khả năng theo dõi mục tiêu thông qua hệ thống radar chủ động và bán chủ động. Điều này có nghĩa là một khi R-37M được phóng đi, nó sẽ độc lập hoàn toàn với phương tiện phóng. Tốc độ cao khiến cho tên lửa này có thể đánh chặn được cả mục tiêu tàng hình.

Chuyên trang quân sự Military Watch mệnh danh R-37 là tên lửa không đối không tầm xa nhất và nhanh nhất trên thế giới. Kết hợp với hệ thống radar, R-37M có khả năng di chuyển tốc độ Mach 5 - Mach 6 (6.125-7.350 km/h) để tấn công các máy bay trên không, tức là nhanh gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh.

Juice thừa nhận, sự nguy hiểm của R-37M đã khiến các phi công Ukraine phải thay đổi lộ trình bay đã lên kế hoạch để né tránh. Vì vậy, trong nhiều trường hợp các phi công Ukraine không thể hoàn thành nhiệm vụ trên tiền tuyến vì phải tránh tên lửa.

Trong gần 10 tháng qua, Nga đã không kiểm soát hoàn toàn được không phận của Ukraine vì nhiều lý do, nhưng một điểm sáng của Không quân Moscow là tiêm kích đánh chặn MiG-31BM kết hợp với R-37M trở thành cặp vũ khí "song sát".

Hai vũ khí này đã "song kiếm hợp bích" bắn rơi nhiều tiêm kích của Ukraine từ khoảng cách rất xa.

Các chuyên gia từ viện RUSI (Anh) nhận định, các cuộc tuần tra phòng thủ trên không của người Nga đã chứng tỏ hiệu quả cao trước các máy bay tấn công và máy bay chiến đấu của Ukraine, với cặp MiG-31BM và tên lửa không đối không tầm xa R-37M đặc biệt nguy hiểm.

MiG-31 bay cao hơn, nhanh hơn và xa hơn so với máy bay đánh chặn Sukhoi Su-27 tốt nhất của không quân Ukraine. MiG-31 của Nga có thể bay cao tới 18.200m trong phạm vi 724km và lao tới với tốc độ Mach 2,5 trong thời gian ngắn.

Từ vị trí cao, MiG-31 dễ dàng áp dụng chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ". Radar Zaslon sẽ quét mục tiêu đối thủ phía dưới rồi phóng R-37M từ khoảng cách vài trăm km - nhằm đảm bảo Ukraine không sở hữu bất cứ vũ khí nào có tầm tấn công đủ để gây hại cho MiG-31. R-37M có tầm tấn công xa gấp 5 lần R-27 - tên lửa tốt nhất trên tiêm kích đánh chặn Su-27 của Ukraine. 

Chiến thuật né tránh của Ukraine

Phi công Ukraine nói có cách bắt bài tên lửa siêu vượt âm sát thủ của Nga - 2

Tiêm kích MiG-31M của Nga (Ảnh: Wiki).

RUSI nhận định, sự kết hợp giữa MiG-31 và R-37M tạo nên một cặp vũ khí rất mạnh khiến tên lửa Nga rất khó đánh chặn. Tuy nhiên, Juice cho rằng, việc né tránh R-37M không phải là bất khả thi.

Đối với tầm bắn rất xa hơn 128km, phi hành đoàn MiG-31 phát hiện mục tiêu bằng radar riêng và bắn R-37M theo hướng của mục tiêu. Tên lửa ngay lập tức đi theo đường đạn đạo trước khi lao xuống với tốc độ siêu vượt âm.

Đối với tầm bắn dưới 128km, tên lửa bay theo quỹ đạo phẳng hơn với tốc độ chậm hơn một chút. Trong cả hai trường hợp, ở khoảng cách không xa hơn 32km so với mục tiêu, tên lửa sẽ bật thiết bị tìm kiếm radar để xác định chính xác vật cần tấn công rồi lao vào.

Tuy nhiên, Juice cho rằng, phi công Ukraine có thể đánh lừa thiết bị tìm kiếm 9B-1103M-15 trên R-37M. Giống như nhiều radar hiện đại, thiết bị này dội lại tín hiệu vi sóng từ mục tiêu và phân tích chuyển động của đối tượng sẽ bị tấn công. Giới chuyên gia gọi đây là radar Doppler.

Cơ chế Doppler giống như lò xo. Khi bóp lò xo 2 điểm đầu của nó sẽ gần lại, khi kéo giãn, 2 điểm sẽ cách xa nhau. Dịch chuyển Doppler là chuyển động của năng lượng điện từ giữa radar và mục tiêu.

Để tránh làm lộn xộn màn hình của phi công điều khiển, radar Doppler có một ngưỡng phát hiện dựa trên vận tốc. Nó bỏ qua các vật thể chuyển động chậm hoặc đứng yên như cây cối và các tòa nhà. Để biến mất khỏi radar Doppler, phi công đối thủ có thể giảm vận tốc để không bị radar phát hiện.

Điều đó có nghĩa là phi công tiêm kích Ukraine có thể làm nhiều cách để đánh lừa radar Doppler của Nga ví dụ đổi hướng, hạ độ cao hoặc bắn ra vụn kim loại làm rối loạn radar Doppler.

Kỹ thuật né tránh này hiệu quả nhất khi phi công vẫn còn hạ xuống thấp được. Tuy nhiên, do máy bay Ukraine thường bay thấp để tránh radar mặt đất của Nga, nên việc hạ xuống thấp nữa đôi khi không khả thi. Rẽ vuông góc có thể là phương án thay thế.

Tuy nhiên, kỹ thuật né tránh chỉ hiệu quả khi phi công Ukraine biết tên lửa đang bay tới. Như đã nói ở trên, radar cảnh báo của Ukraine hiện chỉ biết được tên lửa R-37M khi nó còn cách mục tiêu khoảng 32km (vì khi đó R-37M mới bật thiết bị tìm kiếm mục tiêu lên để lao vào). Vì vậy, các phi công Ukraine chỉ còn khoảng vài giây để hạ thấp hoặc rẽ nếu muốn né R-37M của Nga.

Nếu phi công Ukraine không liên tục để ý radar cảnh báo, người này sẽ không có thời gian để né tránh. Ranh giới mong manh giữa bị bắn hạ và tránh được tên lửa chỉ là vài giây.

Theo Forbes, Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine