1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phe biểu tình tại Myanmar tuyên bố tiếp tục xuống đường sau ngày đẫm máu

An Bình

(Dân trí) - Tình hình căng thẳng tại Myanmar chưa có dấu hiệu giảm bớt khi người biểu tình tuyên bố tiếp tục xuống đường sau khi nước này hôm qua chứng kiến ngày đẫm máu nhất kể từ đảo chính với 38 người chết.

Phe biểu tình tại Myanmar tuyên bố tiếp tục xuống đường sau ngày đẫm máu - 1

Người biểu tình trên đường phố Mandalay, Myanmar ngày 3/3. (Ảnh: Reuterrs)

Reuters ngày 4/3 dẫn lời nhà hoạt động Maung Saungkha nói rằng đám đông biết họ có thể bị bắn và thiệt mạng vì đạn thật, nhưng họ kiên quyết "chọn con đường nguy hiểm này để vượt qua" và sẽ "đấu tranh bằng mọi cách".

Người đàn ông trên cho biết thêm rằng nhóm của anh ta đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành vào hôm nay nhưng không cho biết cụ thể. Trong khi đó, ít nhất 2 cuộc biểu tình cũng được liên kế hoạch tại các khu vực ở Yangon, cố đô của Myanmar, vào hôm nay.

Quốc gia Đông Nam Á hôm qua đã chứng kiến ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2, khi lực lượng an ninh mạnh tay với những người biểu tình phản đối đảo chính. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, 38 người đã thiệt mạng trong ngày 3/3, sau khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình. Con số này đã nâng tổng số người chết kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính vượt con số 50.

Hiện các nhóm nhân quyền và các hãng truyền thông đưa ra những con số khác nhau về thương vong do bạo lực. Một cơ quan viện trợ cho biết trong số những người thiệt mạng có 4 trẻ em. Báo chí địa phương đưa tin hàng trăm người biểu tình đã bị bắt.

Một phát ngôn viên của hội đồng quân sự cầm quyền không trả lời các cuộc điện thoại khi hãng tin Reuters liên lạc đề đề nghị bình luận về các thông tin trên.

Trong khi đó, quân đội Myanmar đã tuyên bố sẵn sàng đối đầu với các lệnh trừng phạt và sự cô lập vì cuộc đảo chính sau khi Liên Hợp Quốc lên tiếng mạnh mẽ về biểu tình tại nước này.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, bà đã có các cuộc thảo luận với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, trong đó bà cảnh báo rằng quân đội Mynmar có thể đối mặt với các biện pháp mạnh mẽ từ một số quốc gia và bị cô lập nhằm đáp trả cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, bà Burgener đã nhận được câu trả lời từ quan chức quân đội Myanmar rằng họ đã quen với các lệnh trừng phạt và vẫn sống sót.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp kín vào ngày mai, 5/3 để thảo luận về tình hình căng thẳng tại Myanmar.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 hành viên đã bày tỏ lo ngại vì tình trạng khẩn cấp tại Myanmar nhưng không lên án cuộc đảo chính hồi tháng trước do sự phản đối của Nga và Trung Quốc, vốn xem các diễn biến này là chuyện nội bộ của quốc gia Đông Nam Á.

Các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Mynmar kể từ vụ đảo chính, đồng thời cũng đang cân nhắc gia tăng trừng phạt để gây sức ép lên quân đội nước này và các đồng minh kinh tế.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar