1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

38 người biểu tình thiệt mạng trong một ngày, quân đội Myanmar lên tiếng

Minh Phương

(Dân trí) - Quân đội Myanmar đã lên tiếng sau khi tiếp tục mạnh tay ứng phó biểu tình phản đối đảo chính. Chỉ riêng ngày 3/3, ít nhất 38 người biểu tình thiệt mạng.

38 người biểu tình thiệt mạng trong một ngày, quân đội Myanmar lên tiếng - 1
Binh sĩ Myanmar bắt giữ một người đàn ông trong một cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Mandalay hôm 3/3. (Ảnh: AFP)

Reuters dẫn lời Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, 38 người đã thiệt mạng trong ngày 3/3 - ngày "đẫm máu nhất" kể từ cuộc đảo chính - khi quân đội mạnh tay đối phó biểu tình.

"(3/3) là ngày đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính Myanmar nổ ra hôm 1/2 khi có 38 người thiệt mạng. Tính đến nay hơn 50 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính", đặc phái viên Burgener cho biết.

Bà Burgener dự kiến sẽ báo cáo tình hình cho Hội đồng Bảo an vào ngày mai 5/3. Bà Burgener cho biết thêm, bà đã liên hệ với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, và cảnh báo quân đội Myanmar có thể đối mặt với các biện pháp cứng rắn từ một số nước và bị cô lập vì đảo chính.

"Câu trả lời là: Chúng tôi không còn lạ với các lệnh trừng phạt và chúng tôi vẫn tồn tại", bà Burgener nói với phóng viên về phản ứng của quân đội Myanmar về những cảnh báo nguy cơ bị trừng phạt và cô lập.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cho biết thêm, ông Soe Win cũng nói rằng quân đội Myanmar muốn tổ chức một cuộc bầu cử khác sau một năm nữa. Theo bà Burgener, chiến thuật của chính quyền quân sự Myanmar có thể sẽ là mở điều tra các thành viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

"Cuối cùng, NLD sẽ bị cấm tham gia chính trường, và họ (quân đội Myanmar) sau đó sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới mà họ sẽ chiến thắng và tiếp tục cầm quyền", bà Burgener nói.

Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về các thông tin trên.

Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng ở Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Quân đội Myanmar nói rằng việc chuyển giao quyền lực là "không thể tránh khỏi" với cáo buộc đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là nhờ gian lận. Mặc dù quân đội Myanmar tuyên bố hạn chế tối đa việc dùng bạo lực để đối phó biểu tình, nhưng đến nay hơn 50 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Quân đội bị cáo buộc dùng đạn thật, đạn cao su, hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán biểu tình ở các thành phố lớn của Myanmar.

Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU), đã thực hiện hoặc đang cân nhắc các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar và đồng minh. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, song chưa đưa ra nghị quyết lên án. Anh đã đề nghị triệu tập một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an vào ngày 5/3 để thảo luận về vấn đề Myanmar.

Phát biểu với báo chí ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp cứng rắn nhằm vào các thành viên của quân đội Myanmar". Ông Price cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ hành động để ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar diễn biến tồi tệ hơn nữa.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar