1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện phiên bản "tàng hình" của siêu biến chủng Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Một biến chủng có nhiều đột biến giống Omicron, nhưng lại không có một sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện bằng PCR đang khiến giới khoa học lo ngại.

Phát hiện phiên bản tàng hình của siêu biến chủng Omicron - 1

Omicron đang gây lo ngại vì chứa số đột biến cao bất thường so với các chủng khác của SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Medical News).

Hãng tin Guardian ngày 7/12 đưa tin, các nhà khoa học đã phát hiện ra một phiên bản "tàng hình" của biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm tại Nam Phi, Australia và Canada nhưng cũng có thể đã lây lan rộng hơn mà chưa được phát hiện.

Phiên bản "tàng hình" có nhiều đột biến giống của Omicron nhưng không có sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR mặc dù vẫn có thể phát hiện bằng giải trình tự gen.

Các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để khẳng định liệu phiên bản mới của Omicron có cơ chế lây lan giống như Omicron, nhưng nó có sự khác biệt về mặt cấu trúc gen và do đó có thể có cơ chế hoạt động khác. Trước đó, một nhóm chuyên gia Nam Phi đã phát hiện ra Omicron nhờ một gen bị thiếu (gen S) trong cấu trúc gen của virus - một dấu hiệu cho thấy virus đã biến đổi.

Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết khoảng 6% mẫu gen gửi lên cơ sở dữ liệu Gisaid là phiên bản mới của Omicron có tên gọi là BA.2.

"Có hai nhánh phụ của Omicron là BA.1 và BA.2, có sự khác biệt về gen. Hai nhánh phụ này có thể có cơ chế hoạt động khác", ông Balloux nói.

Các nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 có thể khiến người nhiễm virus không nhận biết được mình đang mắc bệnh do vậy cũng dễ làm lây lan virus. Các nhà khoa học đang nghiên cứu biến chủng mới và cố gắng tìm hiểu điều gì khiến nó đột biến và đột biến nhanh như vậy.

Omicron là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai - cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".

Các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước kia của SARS-CoV-2, nhưng vẫn có những lo ngại rằng các đột biến có thể khiến Omicron né miễn dịch tạo ra nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19.

Phát hiện mới được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia cho rằng, Omicron dễ lây lan hơn nhưng có thể không nghiêm trọng bằng Delta. Chuyên gia Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng quốc gia Mỹ, cho rằng dù phải mất vài tuần nữa mới có thể khẳng định chắc chắn, nhưng ông tin rằng Omicron có khả năng lây lan cao hơn các chủng khác của SARS-CoV-2, đặc biệt là Delta - một biến chủng khác cũng thuộc nhóm "đáng lo ngại".

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cũng phát biểu trong một cuộc họp nội các rằng, các dấu hiệu ban đầu cho thấy Omicron dễ lây lan hơn Delta.