Pháp phân trần phát ngôn cân nhắc điều quân tới Ukraine của ông Macron
(Dân trí) - Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne làm rõ phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron rằng Paris không loại trừ khả năng điều quân tới Ukraine.
Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Sejourne ngày 27/2 cho biết, Pháp có thể gửi quân tới Ukraine để làm những nhiệm vụ cụ thể nhưng không tham chiến trực tiếp để chống lại Nga.
Ông Sejourne nói: "Chúng ta phải xem xét các động thái mới để hỗ trợ Ukraine. Những động thái này phải đáp ứng những nhu cầu rất cụ thể. Ví dụ như việc rà phá bom mìn, phòng thủ mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine".
"Một số nhiệm vụ có thể yêu cầu sự hiện diện (của quân nhân Pháp) trên lãnh thổ Ukraine mà không phải để (trực tiếp) chiến đấu với Nga. Đây đã và vẫn là quan điểm của Tổng thống Macron cho đến lúc này", ông giải thích.
Giới chức ngoại giao Pháp cho biết phát biểu của ông Macron đã khơi dậy cuộc tranh luận nhưng phương Tây chưa có kế hoạch cụ thể nào theo hướng đó.
Hôm 26/2, Tổng thống Macron cho biết không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine, nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản này.
Ngoài ra, Thủ tướng Slovkia Robert Fico vào cùng ngày cho biết, một số nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa quân đến Ukraine khi xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
Bình luận về những thông tin trên, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết: "Điều này trước hết cho thấy nhận thức tuyệt đối về những rủi ro do Nga gây ra cho châu Âu. Việc mở đầu cuộc thảo luận về khả năng đưa lực lượng vũ trang hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine nên được coi là mong muốn làm rõ hơn những rủi ro đó".
Sau đó, nhiều quốc gia phương Tây đã lên tiếng về ý tưởng đưa quân tới Ukraine.
Một quan chức Nhà Trắng khẳng định Mỹ không có ý định đưa quân đến Ukraine tham chiến và cũng không có kế hoạch điều lực lượng NATO đến chiến trường này.
Giới chức Slovakia, Ba Lan và Cộng hòa Séc, Hungary cũng tuyên bố không cân nhắc đưa quân đến Ukraine.
Điện Kremlin cảnh báo, xung đột giữa Nga và NATO không thể tránh khỏi nếu các nước thành viên của liên minh này điều quân đến Ukraine.
"Việc thảo luận khả năng gửi quân từ các nước NATO đến Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng. Trong trường hợp đó, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra (xung đột trực tiếp) mà đó sẽ là kịch bản không thể tránh khỏi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/2 bình luận.
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cảnh báo, việc NATO đưa quân đến Ukraine, nếu xảy ra, sẽ bị coi là hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và là một lời tuyên chiến với Nga.
Các thành viên NATO đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí và đạn dược cho Kiev và đang huấn luyện lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng liên minh quân sự phương Tây muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga, điều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi giữa tháng này khẳng định liên minh này đều không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.