Pháp chuyển sang kinh tế thời chiến để tăng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này đã chuyển sang chế độ kinh tế thời chiến nhằm tăng cường sản xuất vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron ngày 16/1 thông báo Paris sẽ hoàn tất các bước chuẩn bị cho một thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh cho Ukraine trong những tuần tới. Ông sẽ công bố việc ký kết thỏa thuận này trong chuyến thăm Ukraine dự kiến vào tháng 2.
Ông nói thêm rằng Pháp đã và đang chuyển sang nền kinh tế thời chiến để đẩy mạnh sản xuất quân sự, "điều này sẽ cho phép chúng tôi cung cấp nhiều thiết bị hơn cho các đối tác Ukraine, đặc biệt là pháo Caesar mà họ đang mong đợi".
"Chúng tôi đang hoàn tất thỏa thuận song phương về các bảo đảm sẽ được ký trong những tuần tới. Chúng tôi sẽ tiến hành chuyển giao vũ khí mới: khoảng 40 tên lửa SCALP (Storm Shadow) và hàng trăm quả bom mà Ukraine đang cần", ông Macron tuyên bố.
Theo ông, Pháp và Liên minh châu Âu sẽ cần đưa ra quyết định mới trong những tuần và tháng tới để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Bất đồng nội bộ tại Mỹ và EU đang khiến 2 đề xuất viện trợ lớn giành cho Ukraine chưa được thông qua. Ukraine nhiều lần cảnh báo, việc họ chỉ được viện trợ nhỏ giọt sẽ ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của Kiev.
Vào giữa năm ngoái, các nước G7 đã công bố một khuôn khổ quốc tế về an ninh cho Ukraine nhằm tăng cường tài chính và năng lực quốc phòng cho Kiev.
Ukraine đã vận động hành lang để có được những cam kết an ninh lâu dài từ các đối tác phương Tây. Pháp đã đàm phán song phương kể từ tháng 6/2023, nhưng có rất ít thông tin chi tiết về những gì các nước phương Tây sẵn sàng thực hiện và khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3, có nhiều câu hỏi về mức độ cam kết của các đồng minh với Kiev.
Các nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết hiệp định an ninh này sẽ phác thảo khuôn khổ viện trợ nhân đạo dài hạn, hỗ trợ tái thiết và hỗ trợ quân sự.
Kiev đang tìm cách duy trì dòng viện trợ quân sự và tài chính từ các đồng minh phương Tây sau gần 2 năm đối phó với tiềm lực quân sự hùng hậu của Nga.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến Kiev vào tuần trước để ký một thỏa thuận an ninh mới và thông báo tăng tài trợ quân sự cho Ukraine để mua máy bay không người lái, bao gồm máy bay giám sát, tấn công tầm xa và máy bay không người lái trên biển.
Trước đó, các chuyên gia nhận định, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy NATO dường như chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, nhất là trước một đối thủ mạnh như Moscow.
Một ví dụ cụ thể nhất chính là năng lực sản xuất quốc phòng. Khối phương Tây đã dồn hàng loạt vũ khí, khí tài trong kho tới Ukraine và nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất bù đắp của phương Tây còn là một dấu hỏi lớn. Các ngành công nghiệp của họ không ở trong giai đoạn thời chiến trong hàng chục năm và việc tăng tốc sản xuất vũ khí cho Ukraine hay để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này cũng như của khối là một dấu hỏi lớn.