Pháo cối mạnh nhất thế giới của Nga phá hủy cứ điểm kiên cố của Ukraine
(Dân trí) - Nga đăng tải video ghi lại cảnh pháo cối uy lực hàng đầu thế giới của nước này 2S4 Tyulpan phá hủy các mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Hãng Sputnik ngày 8/1 đăng tải đoạn video được mô tả là ghi lại cảnh pháo cối tự hành hạng nặng 2S4 Tyulpan Nga tập kích các cứ điểm kiên cố của Ukraine trong chiến sự đã kéo dài hơn 11 tháng giữa 2 nước.
Trong đoạn video, các vụ nổ lớn đã được ghi hình lại. Theo Sputnik, máy bay không người lái (UAV) của Nga đã ghi hình lại hoạt động tác chiến trên chiến trường của 2S4 Tyulpan.
2S4 Tyulpan "Tulip thép" bắt đầu được thiết kế từ năm 1967 bởi các kỹ sư đến từ phòng thiết kế SKB thuộc nhà máy chế tạo máy Perm. Loại vũ khí này được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô từ năm 1975 và ngay lập tức trở thành một trong những loại pháo tự hành uy lực nhất không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.
Tổ hợp 2S4 có thể bắn ra đạn cối kích thước 240mm khiến nó là tổ hợp súng cối nòng lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. 2S4 có thể phóng nhiều loại hỏa lực đa dạng từ đạn nổ mạnh, đạn xuyên giáp, đạn định tầm, đạn chùm, đạn tự dẫn đường cho tới đầu đạn hạt nhân có sức công phá đến 2 kiloton.
Nhờ quỹ đạo đạn bắn cầu vồng, cối 2S4 Tyulpan có thể phá hủy các mục tiêu bị che khuất, nằm sâu trong các tuyến phòng thủ.
2S4 có tính cơ động cao và có thể khai hỏa hiệu quả trong nhiều tình huống tham chiến ở các khu vực địa hình khác nhau, trong đó nổi bật là tính linh hoạt trong việc phá hủy mục tiêu ở những nơi hẻm núi, hang động thậm chí các pháo đài.
2S4 có tầm bắn khoảng 20km. Theo các chuyên gia quân sự, nếu triển khai 5 tổ hợp cối này đồng loạt khai hỏa, nó có khả năng tạo ra một trận "mưa hỏa lực", đủ sức phá hủy nhiều tòa nhà kiên cố và xe bọc thép của đối phương.
Tổ hợp này nặng 30 tấn, dài 8,5m, rộng 3,2m và cao 3,2m. Một khẩu đội 2S4 Tyulpan cần đến 9 người để vận hành. Một nhược điểm lớn của 2S4 là kích thước vũ khí và trọng lượng đạn lớn (một viên đạn tiêu chuẩn nặng 130kg), khiến nó có tốc độ bắn khá chậm, chỉ đạt 1 viên/phút.
Trong chiến dịch quân sự của Nga, Moscow từng sử dụng 2S4 để tập kích nhà máy Azovstal, ở Mariupol, Donbass. Đây là nơi các binh sĩ Ukraine cố thủ trong nhiều tuần trước khi chấp nhận đầu hàng vì không thể chống đỡ được "mưa" hỏa lực từ đối thủ. Azovstal được xây từ thời Liên Xô với thiết kế như pháo đài kiên cố, nên việc triển khai 2S4 tới đây tập kích là động thái dễ hiểu.
Hồi tháng trước, Defense Express nói rằng Nga đã đưa hệ thống pháo hùng hậu tới Bakhmut ở mặt trận miền Đông, trong đó có 2S4. Theo giới quan sát, mục tiêu của Nga là tạo dựng một thế trận áp đảo về hỏa lực, qua đó nhanh chóng giành quyền kiểm soát thành trì của quân đội Ukraine ở Donbass sau nhiều tuần 2 bên giằng co quyết liệt từng tấc đất.