Phản ứng của Mỹ sau khi Nga cảnh báo tấn công xe chở vũ khí vào Ukraine
(Dân trí) - Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đưa các xe viện trợ vào Ukraine bất chấp Nga cảnh báo tấn công bất cứ xe chở vũ khí nước ngoài nào vào quốc gia này.
Tại cuộc họp báo ngày 18/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Mỹ sau khi Nga cảnh báo tấn công bất cứ xe chở vũ khí nào của nước ngoài cho Ukraine, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Ngoại trưởng Nga Lavrov từng đưa ra cảnh báo này trước đó".
Bà Psaki cũng khẳng định, hiện không có binh sĩ nào hiện diện ở Ukraine. "Không có binh sĩ nào của Mỹ hoạt động bên trong lãnh thổ Ukraine. Lực lượng của chúng tôi chỉ ở lãnh thổ của NATO, lực lượng của NATO trong lãnh thổ của NATO", bà Psaki nói, song cũng nhấn mạnh Washington và các đồng minh vẫn sẽ theo dõi sát các động thái của Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng lưu ý thêm, các đoàn xe vào Ukraine không chỉ vận chuyển viện trợ quân sự, nhiều xe trong số đó vận chuyển cả hàng hóa nhân đạo như lương thực, thuốc men. "Chúng tôi tiếp tục có các biện pháp để đưa những viện trợ vào Ukraine. Chúng tôi đã làm tốt điều đó trong những ngày gần đây, do vậy chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai qua các kênh sẵn có", bà Psaki nói.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/3 một lần nữa cảnh báo, tất cả xe chở vũ khí của nước ngoài đi vào Ukraine đều có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga.
"Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng, bất kỳ chuyến hàng nào vào lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi tin rằng chở theo vũ khí sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp (của Nga). Điều này là rõ ràng bởi vì chúng tôi đang thực hiện chiến dịch với mục tiêu là loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ lãnh thổ Ukraine nhằm vào Liên bang Nga", Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng cảnh báo, Moscow không cho phép nước ngoài chuyển các hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp cho nước này các hệ thống phòng không tương tự S-300, bên cạnh vũ khí chống tăng, phòng không. Giới chức Slovakia trong tuần này cho biết, họ sẵn sàng cung cấp ngay lập tức tổ hợp S-300 duy nhất của mình cho Ukraine, với điều kiện NATO phải bù đắp thích hợp cho Slovakia.
Mỹ được cho là đang tìm kiếm các quốc gia có sẵn S-300 do Liên Xô sản xuất và tìm cách chuyển chúng đến Ukraine. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là các tên lửa sử dụng cho S-300 chỉ được sản xuất bởi các công ty quốc phòng Nga.
Mỹ và các đồng minh tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này hôm 24/2. Trong tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ khí tài trị giá 800 triệu USD cho Ukraine bao gồm nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có cả máy bay không người lái.
Đáp lại cảnh báo trước đó của Moscow về khả năng nhắm mục tiêu vào các đoàn xe quân sự nước ngoài chở vũ khí cho Ukraine, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13/3 cho biết: "Tổng thống (Joe Biden) đã nhiều lần tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu có bất cứ hành động tấn công quân sự nào nhằm vào lãnh thổ NATO, Điều khoản 5 sẽ được kích hoạt và chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực".