Phần Lan có thể cho phép NATO đặt vũ khí hạt nhân?
(Dân trí) - Truyền thông Phần Lan nói rằng, dự luật gia nhập NATO của nước này dường như không có điều khoản hạn chế về việc triển khai vũ khí hạt nhân của liên minh trên lãnh thổ.
Báo Phần Lan Iltalehti đưa tin, vũ khí hạt nhân có khả năng được triển khai trên lãnh thổ nước này sau khi Helsinki được chính thức phê duyệt gia nhập NATO. Newsweek nhận định, diễn biến này nếu là sự thật có thể khiến căng thẳng giữa Phần Lan và quốc gia láng giềng Nga leo thang trong thời gian tới.
Cả Phần Lan và Thụy Điển đều nộp đơn gia nhập NATO hồi tháng 5, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo báo Iltalehti, các nguồn thạo tin nói rằng, dự luật Phần Lan về việc Helsinki gia nhập NATO không có bất cứ hạn chế nào đối với việc thiết lập căn cứ quân sự và triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Theo nguồn tin, các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Phần Lan dường như đã đưa ra cam kết với NATO vào tháng 7 rằng họ sẽ không đề nghị các hạn chế nói trên nếu đơn xin gia nhập của Helsinki được chấp nhận.
Điều đó có nghĩa là, vũ khí hạt nhân của NATO có thể được di chuyển qua Phần Lan hoặc đặt trên lãnh thổ quốc gia này, các chuyên gia chính sách đối ngoại nói với Iltalehti.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Washington có khoảng 100 vũ khí hạt nhân ở châu Âu, được đặt ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, 2 thành viên NATO khác là Anh và Pháp cũng có kho vũ khí hạt nhân riêng.
Hồi đầu tháng, Ba Lan - một quốc gia láng giềng khác của Nga - cho biết đã thảo luận với Mỹ về việc Washington có thể đưa vũ khí hạt nhân tới nước này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho hay, nước này "không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân" ở những quốc gia "gia nhập NATO sau năm 1997", trong đó có Ba Lan.
Hiện đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã được quốc hội của 28/30 nước thành viên thông qua. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa tổ chức các cuộc bỏ phiếu về vấn đề này.
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là trở ngại lớn nhất cho 2 quốc gia trên, khi họ tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận các thành viên mới nếu Phần Lan và Thụy Điển có chính sách cứng rắn hơn với lực lượng ly khai người Kurd - nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Nga có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215km với các quốc gia thành viên NATO. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km. Việc NATO mở rộng hiện diện ở cửa ngõ khiến Nga bất an bởi từ lâu Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước này.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev hồi tháng 6 cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân sát cửa ngõ Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước vào NATO.
"Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải mối đe dọa mới với chúng tôi. Các quốc gia đó từng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, nhưng tranh chấp lãnh thổ và bất đồng với họ đã được dự báo trước. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những bước đi đáp trả", ông Medvedev cho biết.