1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phần đuôi bị gãy rời có thể hé lộ nguyên nhân tai nạn máy bay Nga

(Dân trí) - Theo các chuyên gia hàng không, việc phần đuôi của máy bay Nga bị gãy rời trong vụ tai nạn tại Ai Cập là manh mối quan trọng cho công tác điều tra. Trong khi đó, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ khẳng định không có bằng chứng của hành động khủng bố.

Nhiều giả thuyết đang được đặt ra liên quan đến vụ tai nạn máy bay Nga (Ảnh: EPA)
Nhiều giả thuyết đang được đặt ra liên quan đến vụ tai nạn máy bay Nga (Ảnh: EPA)

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời chuyên gia hàng không David Gleave cho biết, ít có khả năng máy bay Nga bị tấn công bằng tên lửa trên bầu trời bán đảo Sinai, Ai Cập hôm thứ Bảy vừa qua. Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng chìa khóa giải mã vụ tai nạn nằm ở phần đuôi bị gãy rời.

“Rõ ràng rằng để vươn lên tới độ cao đó, bạn cần có một tên lửa rất lớn trên mặt đất và phải sử dụng một hệ thống radar điều khiển hỏa lực. Không có nhiều quốc gia sản xuất loại tên lửa có thể lên đến độ cao đó, trừ khi chúng bị đánh cắp trong các cuộc bố ráp…Không có thông tin đáng tin cậy cho thấy họ đã chiếm giữ được loại vũ khí này”, ông Gleave bình luận về tuyên bố bắn hạ máy bay của nhóm Hồi giáo cực đoan IS.

“Tại thời điểm này, phân bố của các mảnh vỡ không phù hợp với một vụ bắn hạ máy bay thường thấy”.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng: “Những hình ảnh ban đầu dường như cho thấy đuôi máy bay đã bị rời hẳn ra khỏi phần còn lại”. Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể do hiện tượng mỏi kim loại, đuôi máy bay va đập với đường băng hoặc công tác bảo trì khiến cấu trúc phần đuôi máy bay bị suy yếu”.

Ông Gleave không loại trừ khả năng xảy ra nổ bom trên máy bay, và nếu bộ ghi âm buồng lái đột ngột bị dừng lại cũng có thể là dấu hiệu của một sự việc như vậy.

Trong khi đó, tờ Kommersant của Nga dẫn lời các chuyên gia hàng không giấu tên nhận định, hư hại đối với phần thân chiếc Airbus A321 cho thấy, có khả năng đã xảy ra “hiện tượng giảm áp do nổ phần thân” máy bay.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng giảm áp có thể xuất phát từ những vết nứt do áp lực trên thân máy bay, tác động từ ngoại lực bên ngoài do các vật thể bay –bao gồm cả khả năng mảnh vỡ của động cơ bị hỏng văng vào – hoặc một vụ nổ trên khoang, tương tự như một vụ đánh bom như trong vụ đánh bom trên bầu trời Lockerbie, Scotland.

Trong khi đó, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper ngày 2/11 cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy các phần tử khủng bố đã bắn hạ máy bay Nga, dù kết luận chắc chắn vẫn phải đợi cơ quan điều tra.

“Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào về sự liên quan của khủng bố”, ông Clapper phát biểu trong một buổi hội thảo tại Washington.

Ông Clapper cũng cho biết “không loại trừ” khi được hỏi liệu IS có đủ khả năng bắn hạ máy bay hay không, nhưng tin rằng điều này “ít khả năng” xảy ra.

Thanh Tùng

Tổng hợp