1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Zelensky: Ukraine thiếu nguồn lực, khó giành lại Donbass và Crimea

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng giành lại Donbass và Crimea từ Nga bằng biện pháp quân sự.

Ông Zelensky: Ukraine thiếu nguồn lực, khó giành lại Donbass và Crimea - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Ukraine khó có khả năng giành lại Donbass và Crimea bằng vũ lực, ông Zelensky thừa nhận khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Parisien.

"Trên thực tế, những vùng lãnh thổ này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Chúng tôi không có nguồn lực để giành lại. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào áp lực ngoại giao từ cộng đồng quốc tế để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia đàm phán", ông cho biết.

Tổng thống Zelensky đã được hỏi về những thỏa hiệp mà Ukraine sẵn sàng thực hiện "để chấm dứt cuộc chiến". Ông đã trả lời là không khi được hỏi liệu Kiev có thể tạm thời từ bỏ yêu cầu chủ quyền đối với Crimea hay Donbass hay không.

Trước đó, báo Washington Post cho biết, các thành viên châu Âu của NATO ngày càng tin tưởng vào kịch bản rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ kết thúc với việc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ mặc dù Ukraine đến nay vẫn phản đối.

Một số quốc gia châu Âu đang trải qua một "sự thay đổi thầm lặng nhưng ngày càng tăng" hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Theo đó, Nga sẽ kiểm soát một số lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, đồng thời phương Tây sẽ đưa ra cho Kiev một số cam kết an ninh.

Theo nguồn tin này, các cuộc thảo luận kín của phương Tây được thúc đẩy bởi tình hình chiến trường ảm đạm đối với Ukraine và viễn cảnh nguồn tài trợ của Mỹ cạn kiệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

Trong khi công khai tuyên bố tiếp tục ủng hộ Ukraine, một số quốc gia cũng âm thầm tìm cách "đặt nền móng" cho các cuộc đàm phán hòa bình, Washington Post dẫn lời các nhà ngoại giao EU và NATO cho hay.

Một trong những ý tưởng được đưa ra là để Nga giữ các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây hoặc các đảm bảo an ninh khác, nhưng không được gia nhập NATO.

Đến nay, cả Nga và Ukraine đều để ngỏ đàm phán để chấm dứt xung đột, song lại không thể chấp nhận điều kiện của đối phương. Moscow nêu rõ sẽ chấm dứt xung đột nếu Kiev công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, cam kết trung lập. Trong khi đó, Kiev tuyên bố không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.

Mặt khác, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, quyết định có nhượng bộ lãnh thổ cho Nga hay không là phụ thuộc vào Ukraine.

Theo ông Sullivan, Kiev hiểu rằng cuộc xung đột cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.

"Trong suốt năm 2024, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Zelensky và đội ngũ của ông ấy về hình thức của các cuộc đàm phán như vậy. Điều quan trọng trong năm nay là chúng tôi cố gắng cung cấp cho Ukraine càng nhiều công cụ càng tốt để họ có thể tham gia đàm phán và cảm thấy có thể đạt được kết quả mà họ mong muốn", ông cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nêu ra các điều kiện để giải quyết xung đột ở Ukraine, bao gồm việc rút quân đội Ukraine khỏi Donbass, Kiev từ chối gia nhập NATO, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và thiết lập một vị thế trung lập, phi hạt nhân cho Ukraine.

Theo Le Parisien
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine