Ông Trump tìm cách hóa giải “điểm mù” của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn phát đi thông điệp rằng, thay vì lo ngại một cuộc xung đột quân sự Mỹ-Trung, Bắc Kinh nên hợp tác với Washington để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự phối hợp với Mỹ nhằm gây sức ép lên Bình Nhưỡng hay không?
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lạc quan thận trọng khi nói rằng, câu trả lời là “Có”. Ông Trump dẫn ra một số dấu hiệu rằng, Trung Quốc ít nhất đang bắt đầu khống chế Triều Tiên về mặt kinh tế. Người đứng đầu Nhà Trắng sau đó đã khẳng định lại điều này trong một dòng bình luận trên Twitter hôm 16/4.
Nhưng một phép thử thực tế để xác định liệu Trung Quốc có thực sự hợp tác với Tổng thống Mỹ để kiềm chế Triều Tiên hay không lại chính là việc liệu Trung Quốc có ngừng phản đối lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc hay không.
Theo bình luận của Thời báo phố Wall, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện đủ “thiện chí”. Hôm 17/2, hai ngày sau khi Triều Tiên tiến hành lễ diễu binh với màn phô trương các tên lửa, và vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng hỏng một tên lửa đạn đạo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định lại việc phản đối Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tới Hàn Quốc. Sự phản đối của Trung Quốc cho thấy vẫn còn sự khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc về mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hồi giữa năm ngoái, khi ông Barack Obama còn đương nhiệm chức Tổng thống Mỹ, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên. Lầu Năm Góc nói rằng, THAAD sẽ do quân đội Mỹ tại Hàn Quốc vận hành với tôn chỉ “phòng vệ”.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục theo đuổi kế hoạch này. Tổng thống lâm thời Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cũng kêu gọi Mỹ sớm triển khai THAAD, đề nghị Mỹ hỗ trợ để chấm dứt những “hành động thiếu công bằng” mà Bắc Kinh dùng để trả đũa Seoul.
Những “hành động thiếu công bằng” mà Tổng thống Hàn Quốc đề cập chính là việc Trung Quốc gần đây bắt đầu các biện pháp trả đũa kinh tế nhằm vào Hàn Quốc để phản đối triển khai THAAD. Trung Quốc cho rằng THAAD không chỉ là hệ thống phòng thủ cho Hàn Quốc mà còn là phương tiện giúp Mỹ “thâm nhập” sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, phát hiện và khống chế các tên lửa của Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc đã từ lâu đã tính đến vấn đề trên. Theo giới chuyên gia, đây là sự tính toán không khôn ngoan. Viễn cảnh một tên lửa Triều Tiên có gắn đầu đạn hạt nhân nhằm vào các nước láng giềng và Mỹ thực tế hơn là một cuộc đối đầu quân sự toàn diện Mỹ - Trung, Thời báo Phố Wall nhận định. Nói cách khác, Trung Quốc cần hành động để ngăn chặn Triều Tiên vũ khí hạt nhân.
Để làm được điều này, Trung Quốc cần thuyết phục Triều Tiên rằng cái giá mà họ phải trả nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi sẽ lớn hơn những gì mà họ có thể đạt được. Cuối cùng, dù chưa phải là lúc này, một giải pháp ngoại giao sẽ giúp Triều Tiên giữ thể diện nếu họ thực sự muốn quay trở lại.
Một chiến lược toàn diện đòi hỏi Trung Quốc phải thuyết phục Triều Tiên rằng những "đồ chơi quân sự" mới của họ không mạnh như nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn. Đó là lý do tại sao Trung Quốc nên ủng hộ triển khai THAAD.
Minh Phương
Theo WSJ