1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump đối mặt tương lai nào sau khi bác bỏ 34 tội danh?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về diễn biến tiếp theo sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận toàn bộ 34 cáo buộc và khẳng định mình vô tội trong phiên trình diện ngày 4/4.

Ông Trump đối mặt tương lai nào sau khi bác bỏ 34 tội danh? - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trình diện tại tòa án ở New York hôm 4/4 (Ảnh: Reuters).

Chiều ngày 4/4 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình diện tại Tòa Hình sự ở quận Manhattan, thành phố New York. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một cựu tổng thống bị truy tố hình sự.

Trước tòa, ông Trump đã tuyên bố vô tội trước 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan tới các vụ nghi vấn chi tiền che giấu thông tin, trong đó có vụ trả 130.000 USD cho diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Sau gần 1 giờ đồng hồ trình diện, ông Trump và đội ngũ đã rời tòa án. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về những diễn biến có thể xảy ra trong thời gian tới.

Diễn biến pháp lý tiếp theo là gì?

Theo Al Jazeera, bản cáo trạng chống lại ông Trump được công bố hôm 4/4 đã khởi động giai đoạn mang tên "xem xét". Đây là khoảng thời gian mà các công tố viên cho phép nhóm bào chữa của ông Trump tiếp cận với bằng chứng mà các nhà điều tra đã thu thập được trong thời gian qua.

Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ ra vào ngày 4/12, vì vậy, các công tố viên và bên bào chữa cho ông Trump có khả năng gửi một số kiến nghị - đơn yêu cầu tòa án đưa ra quyết định về các vấn đề cụ thể - trước phiên tòa.

Trong số các kiến nghị, có thể có đơn yêu cầu bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc; những thách thức đối với các bằng chứng cụ thể hoặc nỗ lực thay đổi địa điểm, bãi nhiệm thẩm phán. Đây là điều mà phía ông Trump cho biết nhóm pháp lý của ông có thể theo đuổi.

"Họ có thể yêu cầu chuyển địa điểm vì họ nghĩ rằng không thể có được một phiên tòa công bằng ở Manhattan", Matthew Galluzzo, cựu công tố viên tại Văn phòng Biện lý Quận New York, nói với Al Jazeera.

Thẩm phán của phiên tòa hôm qua là Juan Merchan, người gần đây đã chủ trì một phiên tòa hình sự liên quan đến Tổ chức Trump với nghi vấn gian lận thuế. Ông Trump cáo buộc ông Merchan là không thích ông và thẩm phán này được chọn bởi công tố viên quận  Manhattan Alvin Bragg, người đang giám sát vụ án. Hệ thống tòa án bang New York cho biết, thẩm phán Merchan được chỉ định ngẫu nhiên.

"Cũng có thể sẽ có kiến nghị bãi nhiệm liên quan tới thành viên bồi thẩm đoàn", ông Galluzzo nói, đề cập đến cơ quan gồm 24 thành viên có nhiệm vụ xác định rằng các công tố viên đã đưa ra đủ bằng chứng để buộc tội cựu tổng thống hay chưa.

Ông Trump có được lên tiếng công khai về vụ việc?

Hiện tại, cựu Tổng thống Mỹ có quyền như vậy. Theo cựu công tố viên liên bang Ron Filipkowski, các thẩm phán Mỹ có quyền áp đặt lệnh cấm phát biểu công khai đối với thủ tục tố tụng hình sự. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong những vụ việc được dư luận quan tâm như vụ việc này.

Lệnh cấm phát biểu công khai có nhiều mức độ khác nhau, nhưng về cơ bản là yêu cầu từ thẩm phán rằng "bạn không thể, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua bên thứ 3 gây áp lực lên các nhân chứng liên quan đến vụ án, các công tố viên, thẩm phán", theo ông Filipkowski.

Hôm 4/4, Thẩm phán Merchan đã cảnh báo ông Trump không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào có thể làm leo thang tình trạng bất ổn hoặc dẫn đến hành vi bạo lực đối với các quan chức xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ông Trump không bị áp đặt lệnh cấm phát biểu công khai. Trên thực tế, thẩm phán Mỹ hiếm khi áp đặt những lệnh như vậy vì nó được xem là đi ngược lại quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp.

Bao lâu nữa vụ án sẽ được đưa ra xét xử?

Ông Trump đối mặt tương lai nào sau khi bác bỏ 34 tội danh? - 2

Ông Trump xuất hiện tại tòa ngày 4/4 (Ảnh: Reuters).

Về mặt lý thuyết, ông Trump có thể đạt được thỏa thuận nhận tội với các công tố viên và tránh bị xét xử. Kịch bản này có nghĩa là ông Trump sẽ ít nhất phải thừa nhận một số cáo buộc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nhóm pháp lý của ông sẽ không chọn con đường như vậy.

Theo Reuters, các công tố viên cho biết họ dự định yêu cầu phiên tòa bắt đầu vào tháng 1 năm sau, nhưng đội ngũ của ông Trump đã đề xuất ngày bắt đầu vào mùa xuân năm 2024.

Không có khung thời gian cụ thể cho quá trình tố tụng, mặc dù ông Galluzzo cho biết các vụ án hình sự có xu hướng diễn ra nhanh hơn các vụ án dân sự.

"Tôi nghĩ nếu đây là một vụ án dân sự thì có thể là 1 năm, có thể ngắn hơn, có thể là 5 tháng. Tất cả chúng ta đang tự hỏi, liệu điều này có xảy ra trước cuộc bầu cử vào năm tới không?", ông Galluzzo nói, nhấn mạnh thẩm phán sẽ là bên ấn định ngày xét xử sau khi xem xét mọi lý do hợp lý cho việc trì hoãn điều này.

Ông Trump trước đó đã công bố sẽ tái tranh cử vào năm 2024 và đang là một trong những ứng viên có tầm ảnh hưởng lớn của đảng Cộng hòa.

Một câu hỏi khác là, nếu phiên tòa xét xử xảy ra, nó sẽ do bồi thẩm đoàn ra phán quyết hay thẩm phán ra phán quyết. Chuyên gia Galluzzo cho rằng, vụ việc có khả năng cao sẽ là phiên xét xử của bồi thẩm đoàn.

Theo các chuyên gia, một số nhân vật sẽ có khả năng xuất hiện để điều trần cho lời khai bao gồm bà Daniels và cựu luật sư của ông Trump Michael Cohen - người thực hiện vụ trả tiền dàn xếp năm 2016 với sao phim người lớn.

Vụ án tác động thế nào tới bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024?

Ông Trump có thể đối mặt với kịch bản sẽ phải xuất hiện ở các phiên tòa, ngay cả khi chúng trùng với thời điểm ông đi vận động tranh cử.

"Tôi nghĩ phiên tòa sẽ kéo dài 3-4 tuần. Ông Trump có thể sẽ xuất hiện ở tòa án mỗi ngày trong tháng khi ông trong cuộc đua tới Nhà Trắng", chuyên gia Filipkowski cho hay.

Mặt khác, theo luật, ông Trump - một công dân trên 35 tuổi, sinh ra tại Mỹ - vẫn đủ điều kiện để tranh cử và đắc cử tổng thống ngay cả khi bị kết án mắc trọng tội.

Theo cựu đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker, về mặt ngắn hạn, những diễn biến xung quanh vụ việc có thể sẽ giúp ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ các cử tri Cộng hòa trên đường đua tới ghế tổng thống. Trước đó, ông nhiều lần cáo buộc, các động thái chống lại ông là do phe cánh tả đứng sau, nhằm ngăn cản ông tranh cử. Tỷ lệ ủng hộ của ông Trump cũng có dấu hiệu tăng trong những khảo sát gần đây.

Tuy nhiên, ông Volker cho rằng, chưa có gì chắc chắn về tác động lâu dài của vụ việc. "Những gì sẽ xảy ra trong dài hạn, chúng ta vẫn chưa biết. Chúng ta cần xem liệu có những cáo buộc nghiêm trọng hơn có được công bố hay không. Theo tôi, những cáo buộc hiện tại sẽ bị nhiều người xem là khá phù phiếm".

Theo Al Jazeera
Dòng sự kiện: Ông Trump bị truy tố

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm